Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2016
GIỚI THIỆU CHUNG
Bản in Lần xem : 4396

BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2016
Tin đăng ngày: 3/01/2016

Phần một: Đặc điểm, thuận lợi và khó khăn

1. Thuận lợi

 Được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp & PTNT, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của VAAS đã tạo điều kiện cho Viện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

 Được sự hợp tác tích cực của các Viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các địa phương trong vùng đã góp phần giúp Viện đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả cho sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và một số vùng sinh thái khác.

Về đội ngũ cán bộ, Viện có đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt tình trong công tác, luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về cơ sở vật chất, Viện đã được đầu tư cơ sở làm việc khá khang trang, Phòng thí nghiệm được trđang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu.

2. Khó khăn

 Nằm trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ nên mọi hoạt động của Viện trải dài trên 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt (nắng lắm mưa nhiều, hạn hán, lũ lụt...), đặc biệt trong những năm gần đây sự biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, rét đậm và nắng hạn kéo dài, kèm theo đó là những cơn mưa kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của một số loại cây trồng.

 Nguồn nhân lực khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm trong nghiên cứu còn thiếu, do đó các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

 Một số cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương nội đồng, khu thực nghiệm nghiên cứu của Viện bị xuống cấp nên việc cấp và thoát nước gặp nhiều khó khăn.

Số lượng nhiệm vụ và kinh phí năm 2015 vẫn còn hạn chế nên chưa phát huy hết được tiềm lực của Viện. Ngoài ra, một số nhiệm vụ được giao kế hoạch muộn và một số hợp đồng thực hiện đề tài phối hợp gửi muộn so với tiến độ nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đặc biệt là các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.

Phần hai: Kết quả công tác năm 2015

I. Công tác tổ chức, cán bộ và hành chính, quản trị

1. Công tác tổ chức, cán bộ

- Bộ máy: Lãnh đạo Viện gồm 01 Viện trưởng và 02 Phó Viện trưởng; có 03 Phòng chức năng, 05 Bộ môn/ Phòng nghiên cứu và 03 Trung tâm trực thuộc.

- Biên chế tiền lương: Trong năm 2015, biên chế của Viện được giao 130, hiện có 131, đến thời điểm hiện tại 01/12/2015 biên chế còn 114 (nghỉ hưu 108/CP: 13 người; hưu đủ tuổi: 02 người; chuyển công tác: 02 người).

- Công tác tuyển dụng: Đang tiến hành tuyển dụng 08 viên chức, trong đó 07 viên chức ngạnh NCV và 01 hợp đồng theo nghị định 68CP/2000, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2015.

- Trong năm 2015, tiền lương Viện được cấp trên cấp gần 8,4 tỷ đồng.

- Sử dụng, quản lý cán bộ, viên chức Viện đã sử dụng và quản lý viên chức đúng quy định của Nhà nước và cấp trên.

- Các văn bản pháp quy đã ban hành của đơn vị: Viên đã ban hành trên 350 văn bản đi và nhận gần 500 văn bản đến. Không có văn bản còn thiếu chưa ban hành, chỉnh sửa. Đối chiếu bộ máy hiện tại của Viện đúng với quy định của cấp trên, tuy nhiên trong đề án Chuyển đổi cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm Viện đã đề nghị: Bổ sung chức năng nhiệm vụ của Viện, thay đổi tên và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm NCCAQ & CCN Phủ Quỳ thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Phủ Quỳ; đổi tên không thay đổi chức năng nhiệm vụ của bộ môn Nghiên cứu Cây lương thực thành bộ môn Cây lương thực, bộ môn nghiên cứu Đậu đỗ thành bộ môn Đậu đỗ, bộ môn nghiên cứu Rau và Hoa thành bộ môn Rau và Hoa; đổi tên và chức năng nhiệm vụ của phòng thí nghiệm Tổng hợp thành bộ môn Công nghệ sinh học và nhân giống; đổi tên và chức năng nhiệm vụ của bộ môn Hệ thống nông nghiệp thành bộ môn Kỹ thuật canh tác.

- Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ: Năm 2015 Viện không nhận được chủ trương của cấp trên về công tác quy hoạch cán bộ, có 01 viên chức kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 2012 đến 2016. Không có cán bộ nào kiêm nhiệm thuộc quyền quản lý của Viện. Có 01 đồng chí được bổ nhiệm lại vị trí Phó Viện trưởng, 01 đồng chí được bổ nhiệm làm trưởng bộ môn và 01 đồng chí đang chờ quyết định bổ nhiệm trưởng phòng.

- Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức Viện thực hiện đúng đủ kịp thời các chế độ của viên chức như: nâng lương nâng ngạch, bảo hiểm xã hội, Nghị định 108 CP/2014.

- Đào tạo cán bộ, viên chức: Năm 2015, Viện cử 01 cán bộ đi đào tạo thạc sỹ tại Nhật Bản, 01 cán bộ đi tập huấn ngắn hạn tại Hàn Quốc, 02 cán bộ đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị.

- Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đối với các cán bộ, viên chức trong diện phải kê khai. Viện triển khai công tác kê khai tài sản đển cán bộ viên chức thuộc diện phải kê khai theo quy định.

- Xuất nhập cảnh: Làm hồ sơ cho 05 cán bộ viên chức xuất cảnh trong đó có 01 viên chức đi học cao học tại Nhật 04 viên chức đi tập huấn học tập nước ngoài.

- Quản lý và bổ sung hồ sơ cán bộ viên chức đúng theo quy định, cập nhật thường xuyên những thay đổi của viên chức bổ sung vào hồ sơ kịp thời.

- Kết quả rà soát chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của VP VAAS và các đơn vị trực thuộc: Viện đã hoàn chỉnh Đề án đổi mới tổ chức khoa học công nghệ, đang đề nghị cấp trên phê duyệt, trong đó đã đề xuất thay đổi chức năng nhiệm vụ của Viện, chức năng, nhiêm vụ và tên gọi cũ của Trung tâm Phủ Quỳ, bộ môn Hệ thống nông nghiệp, phòng Thí nhiệm tổng hợp, thay đổi tên gọi bộ môn Cây lương thực, đậu đỗ, Rau và Hoa.

2. Công tác hành chính, quản trị

- Tổ chức, cán bộ làm văn thư lưu trữ: Phòng Tổ chức, Hành chính cử 01 chuyên viên trực tiếp làm công tác văn thư lưu trữ, các tài liệu văn bản bản được lưu trữ sắp xếp, bảo quản khoa học.

- Kết quả thực hiện qui định về soạn thảo, góp ý, thẩm định, trình ký và phát hành văn bản của VAAS (Quyết định số 768/QĐ-KHNN-HC). Các văn bản bản đi của Viện đều được soạn thảo, góp ý, trình ký và ban hành đúng trình tự theo quy định của Nhà nước và của VAAS.

- Ban hành và tổ chức thực hiện nội qui, các loại qui chế của đơn vị. Hàng năm tại Hội nghị Viên chức chức Viện đã nhận được nhiều đóng góp bổ sung cho các các quy chế của Viện, do đó các quy chế ngày càng sát với thực tế tăng cường dân chủ trong cơ quan.

- Quản lý đất đai hiện thuộc thẩm quyền của đơn vị: Tổng diện tích đất, phân loại các loại đất theo mục đích sử dụng, hiện trạng về hợp thức hóa các loại nhà làm việc. Viện đang quản lý trên 173 ha, từ 2013 đến 2015 thực hiện theo chỉ đạo của các cấp điều chuyển trên 9 ha cho trường Đại học Kinh tế Nghệ An đến nay còn 164 ha. Toàn bộ diện tích đất Viện quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả tốt.

- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Viện kết hợp trong các hội nghị viên chức, hội nghị sơ tổng kết công tác hàng năm phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ viên chức trên 250 lượt người.

- Công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự cơ quan, dân quân tự vệ, vệ sinh cơ quan. An ninh tại địa bàn cơ quan đảm bảo tốt, không xẩy ra mất mát tài sản của cơ quan cũng như cán bộ viên chức, Viện đã thành lập đội dân quan tự vệ gần 30 người là cán bộ viên chức trong độ tuổi theo quy định. Công tác xanh- sạch- đẹp trong cơ quan được chú trọng, trong khôn viên Viện có nhiều công trình của Đoàn thanh niên, của Công đoàn và các bộ phận đảm nhận, tạo quang cảnh cơ quan ngày càng xanh sạch đẹp hơn.

II. Công tác khoa học và hợp tác quốc tế

1. Công tác kế hoạch

- Năm 2015, Viện tiếp tục chủ trì 03 đề tài trọng điểm cấp Bộ (trong đó đã tổ chức nghiệm thu 01 đề tài và 01 đề tài đang chờ làm thủ tục để nghiệm thu); 01 dự án sản xuất thử nghiệm, 02 dự án giống, 02 đề tài cấp tỉnh, 12 đề tài phối hợp với tổng kinh phí hơn 11,0 tỷ đồng, vượt so với năm 2014 là hơn 2,0 tỷ đồng.

- Viện đã thực hiện đề xuất 09 nhiệm vụ trọng điểm Quốc gia, 02 dự án thuộc chương trình Tây Bắc, 05 nhiệm vụ thuộc chương trình Cacbon thấp, đề xuất 05 nhiệm vụ cho Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, 05 nhiệm vụ cho Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất 04 nhiệm vụ khuyến nông, 05 nhiệm vụ trọng điểm cấp Bộ, 02 nhiệm vụ hợp tác với tổ chức Quốc tế KOPIA, 01 dự án Hợp tác với tập đoàn KUMHO Hàn Qốc. Ngoài ra, Viện đã kịp thời tổ chức thẩm định thuyết minh các đề tài/dự án và chuẩn bị tổ chức nghiệm thu hàng năm các đề tài/dự án do Viện chủ trì để đảm bảo tiến độ thực hiện.

- Hiện tại, các nội dung triển khai trong năm 2015 đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo đúng tiến độ và đảm bảo tính khoa học.

2. Các kết quả KHCN nổi bật năm 2015

2.1. Các kết quả nghiên cứu cơ bản:

Viện tiếp tục duy trì tập đoàn các giống lúa (192 dòng, giống); tập đoàn các dòng, giống khoai lang (>140 dòng, giống); tập đoàn gồm 342 mẫu giống cây ăn quả và cây công nghiệp. Duy trì gống gốc các giống lúa (BT7, BQ5, NT4, BoT1, Nếp 9603, Hồng Ngọc, NTB3,…), duy trì giống gốc các giống lạc (L20, L26, Sen lai, V79, L14, ..). Tiếp tục duy trì giống gốc khoai lang sạch bệnh trong phòng thí nghiệm với tổng số lượng cây 65.000 cây nuôi cấy mô và duy trì giống gốc sạch bệnh trong nhà lưới 3.900 m2 các giống khoai lang gồm Hoàng Long, KTB2 và KL5. Duy trì vườn lưu giữ cây đầu dòng của giống cam Xã Đoài trong mạng lưới bảo tồn ngân hàng gen Quốc gia. Tiếp tục khảo nghiệm tập đoàn trên 90 dòng, giống sắn triển vọng, 45 dòng/giống cao su triển vọng.

2.2. Kết quả nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng:

Các dòng, giống cây trồng triển vọng dự kiến là sản phẩm của các đề tài, dự án cấp Bộ đang được Viện tiếp tục khảo nghiệm và hoàn thiện Hồ sơ công nhận sản xuất thử gồm:

- Giống lúa BoT1 và BT6: Đây là những giống lúa triển vọng được bà con nông dân đánh giá cao, đang được mở rộng diện tích sản xuất trong các năm gần đây và được gieo trồng trên nhiều chân đất khác nhau. Giống BoT1 và BT6 cứng cây, trổ thoát, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất bình quân 65-70 tạ/ha trong vụ Xuân. Hạt gạo dài, trong, khi ăn có vị thơm. Hiện nay, các giống lúa này được trồng nhiều tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Giống lúa NAR5: Đây là giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn, năng suất cao 65-75 tạ/ha, chất lượng gạo tốt, rất thích hợp cho vùng Bắc Trung Bộ trong việc né tránh thiên tai (lũ, lụt). Đây là giống lúa có tiềm năng phát triển rộng trong sản xuất với diện tích gieo trồng hàng vụ tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trên 100 ha.

- Giống Khoai lang KTB3: là giống khoai lang năng suất cao 18-20 tấn/ha; chất lượng tốt, củ hình thuôn dài, vỏ và ruột củ màu trắng, thời gian sinh trưởng 110-120 ngày. Giống khoai lang này đang được khảo nghiệm tại các địa phương trong khu vực với diện tích 2,5 ha.

- Giống Khoai lang KTB4: là giống khoai lang năng suất cao 22-27 tấn/ha. Củ hơi tròn, vỏ củ màu trắng vàng, ruột củ màu trắng chấm tím, thời gian sinh trưởng 110-120 ngày. Quy mô khảo nghiệm giống KTB4 tại các địa phương 4 ha.

- Giống sắn STB1: Đây là giống sắn có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất củ tươi cao (43,3-52,5 tấn/ha). Hàm lượng tinh bột đạt khoảng 30%. So với giống sắn KM94 đang được trồng phổ biến tại các địa phương với năng suất trung bình 30-35 tạ/ha thì STB1 có năng suất cao hơn hẳn.

- Giống Chanh leo Đài Loan: Đây là sản phẩm của đề tài cấp tỉnh. Chanh leo sinh trưởng tốt, số cành, nhánh trên cây nhiều, màu sắc vỏ quả khi chín màu tím, ruột màu vàng nhạt. Năng suất bình quân đạt 38,3 tấn/ha, lợi nhuận bình quân ước đạt 193,5 triệu đồng/ha.

- Cây đậu lông và đậu mèo Thái Lan: 2 giống đậu này đã được Viện nghiên cứu đưa vào quy trình canh tác bền vững có hiệu quả cao ở những vườn cây ăn quả và cây công nghiệp tại các vùng đồi, núi phía tây tỉnh Nghệ An. Đây là 2 loại cây che phủ đất, có khả năng cải tạo và phục hồi đất tốt.

Ngoài ra, các giống cây trồng của Viện đã được Bộ công nhận sản xuất thử, sản xuất chính thức vẫn tiếp tục được chuyển giao cho nông dân các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ như:

- Giống lạc L20 năng suất cao (3,5 - 5,0 tấn/ha) chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt đang được nông dân trong vùng ưa chuộng, tiếp tục mở rộng sản xuất tại các vùng trồng lạc, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 200 ha/năm tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

- Giống mía VĐ 00-236: Là giống mía chín trung bình có hàm lượng đường khá cao (CCS ≥12%), năng suất đạt 94-104 tấn/ha, tăng so với đối chứng từ 17-24%. Ưu điểm của giống này là mọc mầm khoẻ, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao, tốc độ vươn lóng nhanh, ít nhiễm sâu đục thân, bị bệnh trên lá nhẹ, trổ cờ ít, bị đổ ngã nhẹ, khả năng lưu gốc tốt.

- Giống mía KU 00-1-58: Là giống mía chín trung bình có hàm lượng đường khá cao (CCS ≥11%), năng suất đạt 85-105 tấn/ha, tăng so với đối chứng từ 10-20%. Ưu điểm của giống này là mọc mầm khoẻ, đẻ nhánh mạnh, tỷ lệ sâu hại thấp, trổ cờ ít, bị đổ ngã nhẹ, khả năng lưu gốc tốt, chịu thâm canh, tuy nhiên giống này mọc mầm hơi chậm nên cần trồng đúng thời vụ và chọn chân đất có tầng canh tác dày.

- Giống mía VN09-108: Đây là giống có khả năng mọc mầm trung bình, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao, tốc độ vươn lóng nhanh, ít nhiễm sâu đục thân, bị bệnh trên lá nhẹ, trổ cờ ít, bị đổ ngã nhẹ, khả năng lưu gốc tốt. Hàm lượng đường CCS của giống là 11-12%. Năng suất trung bình 80-90 tấn /ha, vượt đối chứng 10-20%. Đây là giống chín sớm, trổ cờ sớm và cây không to.

- Giống quýt Phủ Quỳ (PQ1) cho năng suất 35 – 50 tấn/ha, thu hoạch trái vụ, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng quả cao. Hiện tại PQ1 đang được mở rộng tại nhiều vùng sinh thái ở Bắc Trung bộ và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản xuất chính thức, diện tích trồng giống bưởi này khoảng 200 ha trong khu vực Bắc Trung Bộ.

- Giống cam Xã Đoài đầu dòng sạch bệnh: Hiện nay, 05 cây cam đầu dòng vẫn đang được bảo tồn in-situ tại Xã Đoài và trong nhà lưới cách ly. Vườn cây S0 và S1 cam Xã Đoài được lưu giữ để cung cấp mắt ghép tiêu chuẩn và nhân nhanh giống cam đặc sản này.

- Giống cà phê chè nguyên chủng K3 được Trung tâm nghiên cứu cây Ăn quả và cây Công nghiệp Phủ Quỳ chọn tạo, năng suất cao, ổn định từ 2,2 - 2,6 tấn nhân/ha, hạt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Có khả năng chống chịu sâu đục thân, bệnh gỉ sắt và chịu hạn tốt.

- Giống bưởi hồng Quang Tiến có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, diện tích trồng hiện nay trong khu vực khoảng 50 ha, được Bộ NN&PTNT công nhận sản xuất thử đang nhân rộng mô hình trong vùng.

2.3. Kết quả chuyển giao TBKT

Năm 2015, Viện đã chuyển giao gần 60 tấn giống lúa các loại cho bà con nông dân chủ yếu trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong đó đáng chú ý là các giống lúa nếp (20 tấn), giống lúa HT1 (6 tấn), giống lúa NAR5 (4 tấn), giống lúa Xi23 (3,5 tấn), giống lúa BoT1 (2 tấn), BT6 (1 tấn). Chuyển giao 31,8 tấn giống lạc siêu nguyên chủng các giống L20, L14, L26, Sen lai và V79. Chuyển giao 1.000 cây giống Bưởi Hồng Quang Tiến và 6.000 cây giống quýt PQ1. Đồng thời, trong khuôn khổ các nội dung của đề tài/dự án do Viện chủ trì, phối hợp, Viện đã xây dựng, chuyển giao một số mô hình giống cây trồng, mô hình áp dụng TBKT mới cho nông dân trong khu vực như:

- Quy trình công nghệ sản xuất lạc đạt 5 tấn/ha/vụ: Mô hình đang được mở rộng và chuyển giao tại nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, năm 2015, Viện đã phối hợp cùng Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh chuyển giao quy trình sản xuất lạc cho bà con nông dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 50 ha, năng suất bình quân 4 - 4,5 tấn/ha và hiệu quả tăng so với đối chứng  từ 33,5 - 46,3%.

- Quy trình sản xuất giống lạc siêu nguyên chủng: Viện đã nghiên cứu, chuyển giao quy trình sản xuất giống lạc siêu nguyên chủng (các giống L20, L14, L26, Sen lai và V79) cho hàng trăm lượt bà con nông dân trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và tiếp tục sản xuất 5 ha giống lạc SNC tại Viện. Năng suất bình quân các giống lạc trong vụ Xuân đạt: 3,5 - 4 tấn/ha.

- Quy trình sản xuất giống khoai lang sạch bệnh: Viện đã nghiên cứu, ứng dụng thành công quy trình nuôi cấy mô giống khoai lang. Trong 6 tháng đầu, Viện tiếp tục nuôi cấy 65.000 cây giống khoai lang sạch bệnh (giống KL5, Hoàng Long và KTB2) và duy trì giống G1 trong khu vực nhà lưới với tổng diện tích 3.900 m2 nhằm cung cấp nguồn giống khoai lang sạch bệnh cho nông dân trong vụ tới.

- Quy trình sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao: Trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất một số giống rau, củ, quả chất lượng cao tại Hà Tĩnh” do Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh đặt hàng. Thông qua dự án, các giống dưa hấu (NS5959), bí xanh (HN999), bí đỏ 1494, bắp cải (Sakata), su hào, sup lơ xanh, khoai tây, các công thức luân canh các giống rau củ quả và 07 quy trình canh tác đã được chuyển giao đến bà con nông các xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ; xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tổng diện tích mô hình 29 ha và các mô hình cho thu nhập từ 150 - 400 triệu đồng/ha/vụ.

- Mô hình thâm canh giống Dừa Táo trong giai đoạn kinh doanh: Mô hình này được áp dụng từ năm 2014 đối với giống Dừa Táo (giống địa phương) tại xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Qua 1 năm áp dụng quy trình chăm sóc mới cho thấy: năng suất dừa tăng lên đáng kể, năng suất dừa vụ mùa đạt 49 - 55 quả/cây, hiệu quả kinh tế tăng so với bình quân 16 - 20%.

- Mô hình chuyển đổi ngô trên đất lúa kém hiệu quả: Mô hình được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trên diện tích 30 ha và sử dụng các giống ngô DK 6919, NK 6326. Hiệu quả kinh tế tăng cao vượt trội so với đối chứng trồng lúa tại địa phương từ 100-150%.

- Mô hình trồng chè thâm canh VietGap có lồng ghép hệ thống tưới phun: Mô hình triển khai trên diện tích 10 ha tại các xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương và xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn thuộc tỉnh Nghệ An.

- Mô hình cam thâm canh giống cam V2: Mô hình được xây dựng tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích 02 ha, cây cam 4 năm tuổi đang sinh trưởng, phát triển tốt.

- Mô hình sản xuất giống sắn KM94: Viện phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Đồng Nai thực hiện sản xuất giống sắn KM94, diện tích mô hình: 8 ha, triển khai tại Trung tâm nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Quỳ từ đầu năm 2015.

2.4. Kết quả phối hợp hoạt động với các địa phương

Năm 2015, Viện thực hiện 3 đề tài/dự án cấp tỉnh. Cụ thể, Viện đang phối hợp với Sở KHCN Nghệ An nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để sản xuất giống chanh leo cho vùng nguyên liệu với kinh phí 145 triệu đồng; phối hợp với Sở KHCN Hà Tĩnh xây dựng mô hình sản xuất lạc đạt năng suất cao với kinh phí 800 triệu đồng; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình thâm canh cam V2 với kinh phí trên 40 triệu đồng. Ngoài ra, Viện đã tiếp tục phối hợp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu với các đơn vị như: Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc- Đồng Nai; Viện Cao su; Trung tâm Tài nguyên thực vật; Viện KHKT nông lâm Tây Nguyên; Viện Ngô; Viện Nam Trung Bộ; Viện Di truyền nông nghiệp; Viện nghiên cứu Rau quả; Viện Miền núi phía Bắc. Chuyển giao TBKT, tập huấn đào tạo. Kết quả của các nhiệm vụ phối hợp đã xây dựng được một số mô hình chuyển đổi sản xuất ngô trên đất trồng lúa kém hiệu quả, mô hình trình diễn giống ngô VS71; đánh giá, khảo nghiệm, nhân giống tập đoàn các giống lạc Q2, L20, G23, L26, V79; giống cao su; giống sắn KM94; khảo nghiệm một số giống dừa triển vọng như Dừa Xiêm lửa, xiêm xanh, dừa tào, ẻo xanh, xiêm đỏ; mô hình lùa nếp NS31, mô hình hoa cúc; lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây ăn quả.

3. Công tác quản lý KHCN, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu

Đây là công tác được Viện hết sức chú trọng. Năm 2015, Viện đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết thúc một số đề tài như: Đề tài Mía, các đề tài cấp tỉnh (đề tài về cây chanh leo, đề tài Rau Hà Tĩnh, dự án Lạc tại Hà Tĩnh). Tổ chức nhiều lượt đoàn kiểm tra định kỳ và cuối năm đến các địa phương để đánh giá tình hình thực hiện các đề tài, dự án do Viện chủ trì và phối hợp. Kết quả cho thấy các nội dung triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quy mô và tính khoa học.

4. Kết quả công tác HTQT

Năm 2015, Viện đã từng bước thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Dự án Nông nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOPIA); Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua việc đề xuất các nội dung nghiên cứu cần thiết cho khu vực. Đồng thời, Viện cũng đang xúc tiến hợp tác với công ty Technica Nhật bản về việc ứng dụng nước điện giải trong cải tạo đất, nước, nâng cao năng suất - chất lượng cây trồng nông nghiệp, bảo quản - chế biến nông sản phẩm. Viện cũng đang làm các thủ tục để triển khai thực hiện dự án Hợp tác với tập đoàn KUMHO ASIANA Hàn Quốc với kinh phí 1,0 triệu USD. Son song với việc triển khai các nội dung hợp tác Quốc tế, Viện cũng đã cử một số cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn ngắn hạn ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

5. Thống kê các nội dung và kết quả hoạt động KHCN (Phụ lục 1)

III. Công tác thông tin tuyên truyền

1. Ứng dụng công nghệ thông tin:

- Bình quân số người/ máy vi tính: 3,9

- Số người sử dụng máy vi tính/ tổng số cán bộ viên chức của cơ quan: 71,25 %.

- Khả năng kết nối internet, lắp đặt mạng LAN, thiết kế phần mềm chuyên dụng: Các đơn vị trực thuộc Viện đều có kết nối internet, số máy tính kết nối internet 39/41 cái.

- Viện KHKTNN Bắc Trung bộ có website: http://asincv.gov.vn/  từ năm 2009, số tin bài trong năm 2015 là 65 tin, số lượt truy cập trang Web bình quân từ 800 - 1.200 lượt/ngày.

- Số bản tin/bài đã cung cấp cho trang Web. của VAAS: 01 tin

2. Xuất bản ấn phẩm: 01 quyển sách về Kỹ thuật trồng và thâm canh cây Vừng

3. Số lượng bài đăng báo, tạp chí trong nước: 9 bài

4. Số bản tin/bài đã phát trên các phương tiên thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình): 05 bài

5. Thư viện: Số đầu sách 98 với 601 cuốn, vừa được cập nhật thêm 3 cuốn vào đầu năm.

6. Bảo tàng: Phòng truyền thống của Viện có 45 mẫu vật khô về các giống cây trồng, trong năm có 8 đoàn đến thăm quan.

7. Tham gia triển lãm/Hội chợ (số lần tham gia): 01 lần

IV. Công tác đào tạo sau đại học

1. Số lượng cán bộ hiện đang làm NCS, học viên cao học (tính đến 12/2015):

- Số NCS, cao học trúng tuyển năm 2015 trong đó:

+ Học trong nước: Học tại VAAS: 02 NCS, học tại các cơ sở đào tạo khác: 0

+ Học ở nước ngoài: 01 thạc sỹ. Nguồn kinh phí: Chính phủ Nhật Bản, theo chương trình: Jaica Nhật Bản.

- Tổng số NCS, cao học hiện chưa bảo vệ (tính đến 12/ 2015):

+ Học trong nước:

  • Học tại VAAS: 03 NCS. Thời gian đào tạo: 2012-2016 (01 người) và 2015-2019 (02 người).
  • Học tại ĐH Vinh: 04 ThS. Thời gian đào tạo: 2014-2016.

+ Học ở nước ngoài:

  • 01 NCS. Nguồn kinh phí, theo chương trình 322-công nghệ sinh học). Thời gian đào tạo: 2011-2016.
  • 02 ThS. Nguồn kinh phí: tự túc (01 người), thời gian đào tạo: 2014-2016, và nguồn kinh phí từ Chính phủ Nhật Bản (01 người), thời gian đào tạo: 2015-2017.

2. Số lượng cán bộ bảo vệ học vị TS, ThS. (tính đến 12/ 2015)

+ Học trong nước: Học tại ĐH Vinh: 02 ThS, thời gian đào tạo: 2013-2015.

+ Học nước ngoài: 0

3. Đội ngũ giảng viên, giáo trình

- Số cán bộ tham gia giảng dạy, hướng dẫn NCS, học viên cao học tại Ban Đào tạo SĐH của VAAS và các cơ sở đào tạo khác. Trong đó phân theo chức danh, học vị: GS, PGS, TSKH, TS.

+ 01 PGS.TS. tham gia hướng dẫn NCS tại VAAS và hướng dẫn cao học tại ĐH Vinh.

+ 01 TS. tham gia hướng dẫn NCS và cao học tại VAAS và các trường ĐH khác.

- Số cán bộ tham gia viết giáo trình, biên soạn sách, tài liệu giảng dạy, tham khảo…: 02 người.

4. Tình trạng gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học:

- Số chương trình/ đề tài/ dự án (Cấp Nhà nước, Bộ, cơ sở, địa phương, HTQT, nghị định thư) có đào tạo NCS: 02 đề tài

+ NCS, học viên cao học là học viên của các cơ sở đào tạo khác, của các chương trình HTQT: Không

- Số chương trình/ đề tài/ dự án (Cấp Nhà nước, Bộ, cơ sở, địa phương, HTQT, nghị định thư) có đào tạo thạc sỹ: 04 đề tài, dự án

+ Học viên cao học là học viên tại VAAS: Không

+ Học viên cao học là học viên của các cơ sở đào tạo khác, của các chương trình HTQT: 04 người

5. Các khoá đào tạo khác: Năm 2015, Viện đã cử 04 cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ tại Hàn Quốc, Trung Quốc.

6. Tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo: Hiện tại, Viện đã và đang vận hành sử dụng một số trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu như: Máy quang phổ hấp thụ ASS, PCR, Eliza, phòng nuôi cấy mô invitro và hệ thống nhà lưới phục vụ nhân giống cây con. Tuy nhiên hóa chất phục vụ cho việc nghiên cứu còn thiếu, hệ thống nhà lưới cũ, thiếu kinh phí đầu tư, chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu nhân và ươm cây giống.

7. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học (dành cho Ban Đào tạo SĐH): Phương thức đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình...

V. Công tác tài chính kế toán

1. Công tác quản lý tài chính

- Tình hình tiếp nhận và cấp phát kinh phí: Thực hiện kịp thời và đáp ứng đầy đủ cho hoạt động của các đơn vị.

- Tình hình giải ngân và thanh quyết toán: Đảm bảo đúng tiến độ

- Báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí: Bảo đảm đúng tính chất nguồn kinh phí.

2. Công tác quản lý, sử dụng tài sản

- Tình hình mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản: Theo đúng quy định

- Tình hình thanh lý tài sản cố định: Thực hiện chưa kịp thời.

VI. Công tác xây dựng cơ bản

Không có

VII. Hoạt động doanh nghiệp

Không có

VIII. Triển khai Nghị định các nghị định của Chính phủ.

- Viện đã xây dựng và thẩm định xong các nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng điểm trình VAAS phê duyệt. Viện cũng đã xây dựng dự thảo về ví trí việc làm theo Nghị đinh 41CP và đã hoàn thiện xây dựng chức năng nhiệm vụ thường xuyên gắn theo lương của năm 2015.

- Nhìn chung, đội ngũ cán bộ khoa học đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm đề tài dự án, từ đó có thể thay đổi nếp nghĩ cơ chế xin cho trong đấu thầu đề tài dự án. Mặc dù cũng đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên do cán bộ còn yếu về kỹ năng viết, tổng hợp hồ sơ, tham gia đề tài dự án. Nguồn kinh phí được cấp qua các nhiệm vụ thường xuyên và các đề tài/dự án khó bảo đảm đủ nguồn để chi lương.

IX. Công tác Đảng, Công đoàn, đoàn thể

1. Công tác Đảng:

Đảng bộ Viện KHKTNN Bắc Trung bộ hiện tại có 62 đảng viên trên tổng số 147 cán bộ, đảng viên và người lao động; đang sinh hoạt ở 5 chi bộ trực thuộc, trong đó có 54 đảng viên chính thức, 8 đảng viên dự bị; độ tuổi trung bình 40,9 tuổi; đảng viên nữ có 32 đồng chí, chiếm 51,6%; trong 62 đảng viên có 01 PGS-TS, 01 Tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 32 đại học, 08 trung học chuyên nghiệp và kỹ thuật viên và nhân viên kỹ thuật. Có 03 đảng viên có trình độ lý luận cao cấp, 01 cử nhân và 06 trình độ Trung cấp.

Trong thời gian qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ Khối các cơ quan Tỉnh Nghệ An, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đặc biệt Viện được Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Lê Quốc Doanh đến thăm, chỉ đạo và định hướng hoạt động cho Viện trong thời gian tới. Viện cũng luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chia sẻ của các đơn vị thành viên trong hệ thống Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình, tâm huyết; trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu tốt.

Trong năm qua, Đảng uỷ đã lãnh đạo các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các chỉ tiêu đề ra.

Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho Vùng Bắc Trung Bộ được phát huy và từng bước chuyển biến theo định hướng tái cơ cấu Ngành và xây dựng nông thôn mới.

Công tác cán bộ luôn được quan tâm và coi trọng là nhiệm vụ thường xuyên, quyết định. Đảng ủy Viện chú trọng bồi dưỡng và đào tạo phẩm chất đạo đức, lý tưởng  cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và người lao động; Thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như Nội quy, Quy chế của cơ quan.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ phê bình và tự phê bình. Duy trì thực hiện tốt chế độ sịnh hoạt Đảng bộ, chi bộ. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo của Đảng bộ.

Triển khai và thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bám sát các chủ đề hàng năm để xây dựng kế hoạch học tập và thực hiện.

Thường xuyên thực hiện và làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Chú trọng công tác xây dựng Đảng cả về số lượng và chất lượng; Trong năm 2015, Đảng bộ đã giới thiệu 01 quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng cảm tình đảng, 04 đồng chí tham gia lớp đảng viên mới; giới thiệu 02 đồng chí tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị; kết nạp 4 đảng viên, trong đó có 01 đồng chí là Giáo dân. Làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng chính thức cho 8 đồng chí. Đảng uỷ đã cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho 10 đồng chí Chi uỷ viên của các Chi bộ trực thuộc, cử 04 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng cập nhận kiến thức cho đối tượng 4 và đề xuất nguồn đào tạo Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 cho Viện.

Từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tiến trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Toàn Đảng bộ không có đảng viên vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát của UB kiểm tra Đảng uỷ và của UB kiểm tra thực hiện tốt kế hoạch và chương trình đề ra.

2. Công tác Công đoàn:

Công đoàn Viện KHKTNN Bắc Trung bộ là công đoàn cơ sở bao gồm 5 công đoàn bộ phận trực thuộc, với tổng số 147 đoàn viên. Năm 2015, Công đoàn Viện đã kiện toàn lại BCH, có ban thanh tra nhân dân để kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, luật công đoàn, luật BHXH và các vấn đề khác, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên. BCH Công đoàn đã cùng với chính quyền tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước nhằm tiến tới Đại hội Đảng các cấp như: Công trình trồng và chăm sóc bồn hoa cây cảnh. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi lao động quét dọn vệ sinh xung quanh khu vực làm việc của từng bộ phận. Phối hợp cùng với Chính quyền tổ chức thành công "Hội nghị viên chức và người lao động 2015". Tiếp tục phát động phong trào "Cha mẹ giỏi, con chăm ngoan, học giỏi" để đoàn viên Công đoàn luôn phấn đấu. Công đoàn phối hợp với chính quyền đã kịp thời thăm hỏi đoàn viên cũng như người thân đoàn viên khi đau ốm, hỗ trợ và động viên gia đình đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và khó khăn đột xuất. Tổ chức tọa đàm mít tinh ngày 8/3, 20/10 cho chị em phụ nữ, đồng thời tổ chức cho các chị em đi thăm quan các khu di tích như Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc nhằm ôn lại truyền thống anh dũng của dân tộc ta.

3. Công tác Đoàn:

Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Viện hiện tại có 58 đồng chí, trong đó nam là 19 người và nữ là 39 người. Năm 2015, chi đoàn Viện đã tích cực tham gia các hoạt động thanh niên chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5, 2/9, tham gia Hội thao đoàn khối các cơ quan cấp tỉnh, tổ chức tết trung thu cho các cháu thiếu nhi là con em trong cơ quan, tích cực phát động các phong trào trồng và chăm sóc bồn hoa cây cảnh, cắt cỏ, dọn vệ sinh khu vực cơ quan và nhà làm việc của từng đơn vị, trồng cây, dâng hương tại khu di tích Truông Bồn, hưởng wmhs chương trình ngày thứ 6 xanh (dọn dẹp, nạo vét kênh mương khu thí nghiệm đồng ruộng của Viện).

X. Công tác khác

1. Công tác thi đua, khen thưởng

- Tổng kết các phong trào thi đua: Viên đã triển khai theo các đợt phát động phong trào thi đua từ Bộ, VAAS trong năm 2015, đồng thời đã sơ kết, tổng kết.

- Khen thưởng các danh hiệu cá nhân, tập thể trong năm: Đang triển khai

- Gương người tốt, việc tốt: Đang triển khai

2. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kỷ luật

Năm 2015 không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; không có trường hợp cán bộ viên chức bị xử lý kỷ luật.

3. Thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm

Thực hiện theo kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Phần ba: Kế hoạch hoạt động năm 2016

- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung nghiên cứu & chuyển giao KHCN theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm chọn tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với vùng sinh thái Bắc Trung bộ và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời chuyển giao các TBKT mới về giống, các quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường tham gia đấu thầu các đề tài, dự án các cấp.

- Tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các năm tiếp theo.

- Đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững cho vùng, phối hợp cùng với địa phương tham gia các chương trình (Các bon thấp, Công nghệ sinh học, Nông thôn mới, Nông thôn miền núi, chương trình giống....), các đề tài, dự án nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Bắc Trung bộ.

- Tiếp tục nghiên cứu gìn giữ và phát triển sản xuất các nguồn gien cây trồng đặc sản của vùng Bắc Trung bộ.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao và né tránh thiên tai.

- Tăng cường chỉ đạo và thực hiện thành công các Dự án hợp tác quốc tế. Bao gồm dự án HTQT với Hàn Quốc, Trung Quốc, Cuba. Đồng thời gửi đề xuất tới các tổ chức, đơn vị khác như IPAD, CIAT, WWF.,,,

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên của VAAS và các cơ quan, ban ngành cấp Tỉnh để tham gia đấu thầu các đề tài, dự án, thực hiện các nội dung một cách có hiệu quả.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.

- Từng bước triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ TXTCN đã được Bộ phê duyệt.

Phần bốn: Kiến nghị

1. Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT

- Tăng cường ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ cho các Viện vùng trong đó có Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ.

- Xem xét, tạo điều kiện giao trực tiếp các nhiệm vụ cho Viện, đặc biệt là các nhiệm vụ đặt hàng trực tiếp cho vùng Bắc Trung Bộ.

- Tăng cường trang thiết bị, cải tạo nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải tạo đồng ruộng, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu tốt cho cán bộ công nhân viên chức.

2. Kiến nghị với VAAS

- VAAS điều phối để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các Viện trong và ngoài VAAS trong nghiên cứu KHCN và chuyển giao TBKT cho các vùng, trong đó có vùng Bắc Trung Bộ.

- Thành lập đoàn công tác của VAAS đến làm việc và ký hợp tác với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho Viện triển khai các nhiệm vụ tại các địa phương, cũng như tìm kiếm các nhiệm vụ cấp Tỉnh.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ theo từng chuyên ngành để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.

- Phân cấp cụ thể hơn đến các Viện trực thuộc trong công tác quản lý, sử dụng viên chức.


Các tin Giới thiệu chung khác:

 

CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (4/5/2022)
CƠ CẤU TỔ CHỨC (4/5/2022)
THÀNH TÍCH CHỦ YẾU ĐẠT ĐƯỢC (4/5/2022)
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TIỀM LỰC KHOA HỌC (4/5/2022)
GIỚI THIỆU CHUNG (27/4/2022)
Lễ Công Bố Quyết định Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Bắc Trung Bộ (21/4/2017)
BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2016 (3/01/2016)
Giới thiệu chung (23/11/2012)
Hoạt động định kỳ kiểm tra kết quả thực hiện đề tài/dự án (2/6/2015)
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN KHKT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 (21/5/2015)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 92
Tất cả: 4363448
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com