Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Giải tỏa nỗi lo được mùa, rớt giá
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
Bản in Lần xem : 3401

Giải tỏa nỗi lo được mùa, rớt giá
Tin đăng ngày: 16/11/2015

Hiện nay, một số vùng ở Hải Dương đã rải rác thu hoạch vụ Đông sớm. Bên cạnh niềm vui rau vụ Đông sớm được giá hơn so với năm trước, nông dân nhiều nơi ở Hải Dương vẫn chưa hết nỗi lo được mùa, rớt giá, nhất là thời điểm chính vụ và cuối vụ. Do đó, ngành nông nghiệp Hải Dương và các địa phương đã và đang tích cực lo đầu ra cho cây vụ Đông. 

* Vụ mới nhưng vẫn còn nỗi lo cũ 

Từ 2 tuần nay, tại thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), cảnh thương lái về tận ruộng thu mua bắp cải, su hào bắt đầu tấp nập. Ông Phùng Danh Thang, Trưởng thôn Nam Cầu cho biết, giữa tháng 10, su hào có giá 3.000 đồng/củ, bắp cải 12.000 đồng/kg; đến đầu tháng 11/2015, su hào có giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/củ, bắp cải từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg. So với vụ Đông năm ngoái, năm nay giá su hào và bắp cải tăng 20%. 

Tuy nhiên, theo phản ánh chung của người dân, việc thu mua lâu dài, ổn định theo hình thức doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở địa phương vẫn chưa có. Mặc dù trong xã đã có Hợp tác xã Tân Minh Đức thành lập từ năm 2013 với mục tiêu thu mua nông sản cho người dân trong xã nhưng đến nay mới làm được chức năng cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện nay, ở xã có hơn 20 thương lái đứng ra thu mua rau vụ Đông đi tiêu thụ các nơi. 

Nam Cầu là thôn duy nhất trong 5 thôn của xã Phạm Trấn có vùng sản xuất rau tập trung theo quy trình VietGAP từ 3 năm nay với diện tích 25 ha. Tuy nhiên, theo ông Thang, giá rau VietGAP và rau không sản xuất theo VietGAP không khác gì nhau vì đầu ra trôi nổi nên đây cũng là một trong những lý do khó khuyến khích người dân tích cực làm VietGAP. 

Tự xoay xở đầu ra cũng là chuyện đã nhiều năm nay của nông dân trồng hành, tỏi ở huyện Kinh Môn. Vụ Đông 2015-2016, xã Quang Trung (huyện Kinh Môn) gieo trồng 295ha với cây chủ đạo là hành, tỏi. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành diện tích gieo trồng và nông dân đang tích cực chăm sóc. 

Bà Vũ Thị Thà, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, với truyền thống trồng cây vụ Đông, vấn đề kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, năng suất và sản lượng vụ Đông không còn là nỗi lo của người dân địa phương. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất với người dân Quang Trung hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ. 

“Từ trước đến giờ, nông sản vụ Đông vẫn được tiêu thụ theo hình thức bán trực tiếp cho thương lái tự do đến thu mua tận nơi. Mới đây, trên địa bàn xã có Công ty TNHH Tân Tiến chuyên chế biến thực phẩm bắt đầu thu mua hành tỏi trong dân. Tuy nhiên, phần lớn, vẫn là bán cho thương lái, giá không ổn định và nông dân vẫn chịu cảnh bị ép giá”, bà Vũ Thị Thà chia sẻ. 

* Nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu thụ 

Theo ông Lê Đình Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, vụ Đông này huyện đặt mục tiêu gieo trồng 3.500 ha cây vụ Đông, đến thời điểm này đã hoàn thành được 2.500 ha. Riêng về sản xuất cây vụ Đông, Gia Lộc là huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh. Thậm chí, vụ Đông được ví là vụ làm giàu của nhiều hộ nông dân. 

Để khuyến khích các mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản, 4 năm nay, huyện Gia Lộc thường xuyên tổ chức hội nghị thường niên biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong thu gom, tiêu thụ sản phẩm vụ Đông. Hiện nay trên địa bàn huyện có doanh nghiệp Hưng Việt là đầu tàu trong bao tiêu sản phẩm vụ Đông, giai đoạn cao điểm, doanh nghiệp này thu gom khoảng 100 tấn rau/ngày. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tích cực với việc tiêu thụ cây vụ Đông theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm như doanh nghiệp Hưng Việt chưa nhiều. 

Không riêng Gia Lộc, vụ Đông là vụ sản xuất chính, mang lại giá trị và thu nhập cao cho nông dân tỉnh Hải Dương nói chung. Vụ Đông 2015, tỉnh Hải Dương phấn đấu gieo trồng 22.500 ha, giá trị sản xuất đạt bình quân 97 triệu đồng/ha. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo nhiều giải pháp triển khai đồng bộ ở các địa phương. 

Cùng với những chỉ đạo kịp thời về sản xuất, những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ cũng được đặc biệt chú trọng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng hơn nữa về giao thông, địa điểm thu mua để các công ty, doanh nghiệp, siêu thị, thương lái hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ nông sản được thuận lợi nhất. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất nông sản hàng hóa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ cho nông dân theo hướng “cánh đồng lớn - cánh đồng liên kết” quy mô 5-10 ha trở lên. 

Không chỉ vậy, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng tăng cường tìm kiếm, hợp tác với các công ty, siêu thị, thương lái tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ cho nông dân. 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đề nghị Sở Công Thương tổ chức các hoạt động giao thương, xúc tiến tiêu thụ nông sản vụ Đông chủ lực, đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị và thương lái tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân…

Nguồn mard.gov.vn


Các tin Thông tin thị trường khác:

 

ĐỂ NÂNG CAO TRI THỨC VÀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CHO NÔNG DÂN (26/7/2022)
Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết trên cánh đồng lớn nhưng… chậm lớn (6/6/2022)
Nghệ An: Vào cao điểm nắng nóng, dứa 'nữ hoàng' tăng giá gấp đôi (31/5/2022)
Vải thiều Hải Dương xuất sang Nhật, châu Âu... tăng 40% (26/5/2022)
Quỳnh Lưu: Người trồng dứa đang tự bươn chải tìm đầu ra (19/4/2017)
Vụ hè thu Nghệ An quyết đạt 460.000 tấn lương thực (19/4/2017)
Gấp rút triển khai nhiều giải pháp đưa rau quả xuất khẩu vượt lúa gạo (3/10/2016)
Giá cà phê tiếp tục tăng do hạn hán (20/9/2016)
FAO nhận định thị trường nông sản thế giới đã có “màu” khởi sắc (16/11/2015)
Tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới (16/11/2015)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 600
Tất cả: 4349626
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com