Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG MÍA VĐ 00-236
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 4240

KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG MÍA VĐ 00-236
Tin đăng ngày: 29/10/2015
  1. Nguồn gốc: giống mía VĐ 00 – 236, giống được nhập nội từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2008 và được Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ tiến hành tuyển chọn khảo nghiệm năm 2011 - 2014
  2. Đặc Điểm của giống VĐ 00- 236.

- Đặc điểm tổng thể bụi mía: Dáng bụi hơi xòe, lóng gốc sít, ít rễ phụ, dáng ngọn chụm xiên.

- Đặc điểm hình thái: Thân to, đều cây, lóng hình trụ, lóng nối thẳng, màu xanh ẩn vàng, không có vết nứt sinh trưởng. Mầm hình tròn, dẹt, nhỏ, có cánh mầm dài vượt đai sinh trưởng, đỉnh mầm có chùm lông, có rãnh mầm không rõ. Đai sinh trưởng hẹp, lồi. Đai rễ có hai – ba hàng điểm rễ xếp không đều, điểm rễ rõ. Sẹo lá rõ. Bẹ lá màu xanh ánh vàng, có sáp phủ, không có lông, bẹ lá không tự bong. Có hai tai lá to, tai lá trong dài hình mác, tai lá ngoài ngắn, hình tam giác. Lá thìa ngắn. Cổ lá to, nhẵn, hình chữ nhật. Phiến lá dài, hơi rộng, dày, cứng, không sắc, màu xanh nhạt.

- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, mọc mầm nhanh, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao, tốc độ vươn lóng nhanh. Ít nhiễm sâu đục thân, bị bệnh trên lá nhẹ, trổ cờ ít, bị đổ ngã nhẹ, khả năng lưu gốc tốt, năng suất mía cây cao, đạt trên 100 tấn/ha.

- Đặc điểm công nghiệp: Là giống mía chín trung bình, có hàm lượng đường khá cao, CCS trên 12%.

  1. Kỹ thuật trồng mía

- Thời vụ trồng:

* Tại Nghệ An, Thanh Hóa

            + Vụ trồng: Tháng 1 –Tháng 3.

            - Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho 1 ha:

            + Vôi: 1,0 tấn.

            + Phân hữu cơ: 10 -15 tấn

            + Đạm: 180 kg N

            + Lân 90 kg P2O5

            + Kali: 180kg (K2O).

            + Thuốc trừ sâu (Vibasu hoặc Diaphos 10 H (Diazinon)): 20-30 kg.

            + Thuốc trừ cỏ Ansaron 80WP (Diuron): 3 kg, Gesapax: 4 lít

            + K-humate: 3,5 - 4,0 L,

            - Chuẩn bị đất trồng: Đất trồng mía là loại đất đỏ bazan, đất thịt có độ dốc >10%

+ Đất trồng mía phải đảm bảo tầng đất cày sâu, sạch cỏ dại, sạch gốc rễ,. Đặc biệt là phải loại bỏ hoàn toàn gốc mía sống sót từ vụ trước, đảm bảo không làm lẫn giống.

+ Phương pháp: Dùng cày không lật hoặc cày úp sau một chu kỳ, nhằm cải thiện độ xốp đất, phá vỡ tầng đất sinh chua. Cày vuông góc với hàng mía. Phơi ải rồi tiến hành cày, bừa tơi xốp để chuẩn bị cho trồng mới. Cày 3 chảo 2 lần, cày 7 chảo 2 lần, bừa 2 lần, rạch hàng 1 lần. Đảm bảo độ sâu lớp đất cày ≥ 25 cm, sạch cỏ dại, tơi xốp đất.

 + Rạch hàng: Rạch hàng sâu 25 cm, rộng 30 – 35 cm, hàng đơn với khoảng cách hàng 1 m, hàng kép với khoảng cách hàng 0,3 m và 1,5 m. Bón 0,5 – 1 tấn vôi trước khi trồng 10 – 15 ngày.

            - Chuẩn bị hom giống:

            + Tiêu chí 3 tốt (ruộng tốt, cây tốt, hom tốt).

            + Tiêu chuẩn hom 2 – 3 mắt mầm, tuổi cây giống (6 – 9 tháng tuổi), mía tơ hoặc mía gốc I, thuần trên 98%, khỏe (sinh trưởng tốt, không bị vống lốp hoặc cằn cỗi, không hoặc rất ít rễ khí sinh, mắt mầm tốt), sạch (không nhiễm sâu bệnh).

            + Có thể xử lý hom bằng cách ngâm hom trong dung dịch Benlat-C 50 WP (oxychloride đồng 25% và benomyl 25%) 5‰/15 phút, đem trồng ngay, để tối đa không quá 24 giờ sau khi xử lý.

            - Kỹ thuật trồng:

            + Bón lót: Bón lót vào đáy rãnh toàn bộ phân hữu cơ, toàn bộ phân lân, 1/3 lượng ure và 1/3 lượng Kali, phủ lớp đất mỏng 0,5 – 1 cm rồi mới đặt hom.

            + Đặt hom: Gối đầu hoặc nối đuôi, bằng, thẳng hàng và cùng chiều, mắt mầm hướng về hai bên, ấn chặt hom vào đất, hom đôi ngược chiều ở hai đầu hàng với mật độ 4 hom 3 mắt mầm/m dài (40.000 hom 3 mắt mầm/ha đối với hàng đơn 1 m, khoảng 45.000 hom 2 mắt mầm/ha đối với hàng kép 0,3 m – 1,5 m).

            + Lấp hom: Đặt hom đến đâu, lấp đến đó bằng đất bột từ 2 bên rãnh, lấp dày 3 – 5 cm.

            + Phun thuốc cỏ tiền mọc mầm Ansaron 2-3 kg/ha lúc 2 – 5 ngày sau trồng.

            - Chăm sóc mía tơ:

            + Làm cỏ, bón phân và vun xới:

  • Lần 1 (30 – 40 ngày sau trồng): Làm sạch cỏ, bón thúc 1 với 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng Kali, xới xáo.
  • Lần 2 (30 – 35 ngày sau lần 1): Làm sạch cỏ, bón thúc 2 với 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng Kali còn lại, xới xáo, cắt cây sâu, tiêu hủy những cây nhiễm sâu bệnh hại và cây lẫn giống, phun K-humate 1,5 L/400 L nước/ha. .
  • Lần 3 (30 – 35 ngày sau lần 2): Làm sạch cỏ.
  • Lần 4 (30 – 35 ngày sau lần 3): Làm sạch cỏ, bóc lá chân lần 1, phun K-humate 2 L/600 L nước/ha.
  • Lần 5 (30 – 35 ngày sau lần 4): Bóc lá chân lần 2.
  • Duy trì ruộng sạch cỏ đến thời kỳ thu hoạch.

            + Phòng trừ sâu bệnh:

  • Phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, định kỳ 15 ngày/lần.

* Chú ý: Trong điều kiện đất quá khô, không nên bón phân thúc. Khi chân đất đủ ẩm cần cày xả 2 bên bón phân và vùi lấp.

            - Thu hoạch, vận chuyển và bảo quản mía nguyên liệu:

            + Độ tuổi: 10 – 13 tháng (tùy theo giống mía và thời vụ trồng).

            + Kỹ thuật đốn chặt: Chặt sát đất, không làm dập gốc, chặt ngọn ló “mặt trăng”, róc sạch rễ lá, bó 10 – 15 kg, thu xong 1 – 5 ngày/ruộng.

            + Bảo quản và vận chuyển: Gom mía thành từng đống 30 – 50 bó, vận chuyển về nơi chế biến trong vòng 48 giờ.   

- Lưu gốc và chăm sóc mía gốc:

            + Lưu gốc: Đối với ruộng có năng suất cao, ít bị sâu bệnh, ít mất khoảng.

            + Chăm sóc mía gốc:

  • Để và vén lá, vệ sinh đồng ruộng và bạt gốc ngay sau khi thu hoạch.
  • Xẻ chỗ dày dặm cho những chỗ mất khoảng trên 0,6 m.
  • Xả gốc, bón thúc 1 với toàn bộ thuốc trừ sâu, toàn bộ phân lân, 1/2 lượng ure, 1/2 lượng KCl (lượng phân tương tự vụ tơ), xới xáo, lấp gốc lúc 20 – 30 ngày sau khi thu hoạch.
  • Phun K-humate 2 L/400 L nước/ha lúc 2 tháng sau thu hoạch.
  • Bón thúc 2 với 1/2 lượng ure, 1/2 lượng KCl lúc 3 tháng sau thu hoạch, xới xáo, vun gốc nặng.
  • Phun K-humate 2 L/600 L nước/ha lúc 3,5 – 4 tháng sau thu hoạch.
  • Làm cỏ, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh tương tự vụ tơ, lưu ý phòng trừ chuột bằng các phương pháp đặt bẫy hoặc dùng bã thuốc.

            + Thu hoạch, vận chuyển và bảo quản mía giống: Tương tự vụ tơ.


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 464
Tất cả: 4363820
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com