Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ THÂM CANH GIỐNG BƯỞI HỒNG QUANG TIẾN
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 8010

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ THÂM CANH GIỐNG BƯỞI HỒNG QUANG TIẾN
Tin đăng ngày: 29/10/2015

1 Trồng mới

1.1 Làm đất

Đất phải được cày bừa kỹ 2 - 3 lần, đồng thời kết hợp xử lý đất bằng vôi hoặc thuốc xử lý đất vibasu, vibam...

1.2 Thiết kế vườn

- Đất bằng phẳng: bố trí hàng cây theo hướng đông tây. Đất dốc từ 5 - 100 bố trí hàng theo đường đồng mức.

- Đất dốc trên 100 bố trí theo ruộng bậc thang.

1.3 Đào hố:  Kích thước hố:  80 x 80 x 80 cm hoặc 100 x 100 x 100 cm.

1.4 Khoảng cách và mật độ

Có thể áp dụng các mật độ sau tùy theo chân đất, địa hình cũng như kỹ thuật canh tác mà áp dụng cho phù hợp:

- Khoảng cách 6 x 6 m,  mật độ 278 cây/ha;

- Khoảng cách 5 x 6 m, mật độ 333 cây/ha;

- Khoảng cách 5 x 5 m, mật độ 400 cây/ha;

- Khoảng cách 4,5 x 5 m, mật độ 440 cây/ha;

- Khoảng cách 4 x 5 m, mật độ 500 cây/ha  

1.5 Trộn phân, lấp hố

- Phân bón lót trước khi trồng:

Phân chuồng: 70 – 100 kg/hố +  Khô dầu, bã đậu: 2 -3 kg/hố +  Supe lân:  1 – 1,5 kg/hố +  Kali Clorua:  0,2kg/hố + Vôi: 0,5 - 1kg/hố + Thuốc xử lý đất: Vibasa, vibam... :  20g/hố.

- Tất cả được trộn đều với lớp đất mặt lấp hố và vun thành ụ cao 10 - 15 cm, có đường kính 60 - 80 cm. Chuẩn bị hố và bón lót phải tiến hành xong trước lúc trồng 30 - 45 ngày.

1.6 Thời vụ trồng: Thời vụ trồng: Vụ xuân tháng 2 – 3; vụ thu tháng 8 - 9.

1.7 Tiêu chuẩn chọn cây giống

    Cây giống nhân giống bằng phương pháp ghép: Chiều cao cây giống tính từ mặt bầu ≥ 25 cm, đường kính cây giống tính từ điểm ghép 0,8 - 1,2cm. Bộ lá ổn định, màu xanh đậm, không bị sâu, bệnh.

1.8 Kỹ thuật trồng

Đào một hố nhỏ ở giữa ụ, dùng dao sắc rạch và bỏ túi ni lông, đặt bầu cây ngang với mặt ụ, thân cây thẳng, mắt ghép quay về hướng gió chính, vun đất nén chặt xung quanh bầu. Tủ rơm rác hoặc các vật liệu che tủ khác xung quanh gốc một lớp dày 10cm - 15cm, cách gốc từ 15 - 20cm. Cắm cọc buộc cố định cây. Tưới nước đảm bảo giữ ẩm cho cây sau khi trồng (10  - 15 lít nước/gốc).

2. Chăm sóc cây sau khi trồng

2.1 Trồng dặm

Trong 1 tháng sau khi trồng thường xuyên kiểm tra vườn, nếu thấy có cây bị chết thì tiến hành trồng dặm ngay để đảm bảo mật độ cây trên vườn.

 2.2 Làm cỏ tủ gốc

Thường xuyên nhổ sạch cỏ gốc, không để cỏ dại quá tốt ở trong vườn. Có thể để băng cỏ nhưng phải phát thấp xuống, không để quá tốt. Cuối năm (hết mùa mưa) tiến hành làm cỏ trắng kết hợp với xới xáo đất. Luôn luôn phải giữ ẩm cho cây bằng cách tủ gốc, dùng các vật liệu như: cỏ, rơm rạ, vỏ lạc, bã mía...( 1-2 lần/năm). Tủ dày từ 15 - 20cm, tủ cách gốc 10 - 15cm (đối với vườn cây kiến thiết cơ bản), tủ cách gốc từ 30 - 40cm (đối với vườn cây thời kỳ kinh doanh).

2.3 Tưới nước

Tưới nước thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng sau trồng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ theo điều kiện thời tiết nắng, mưa để chống hạn hoặc chống úng cho cây.

2.4. Trồng xen

Khi cây bưởi chưa khép tán, làm cỏ theo hàng, giữa băng, tận dụng khoảng trống để trồng xen cây họ đậu để tăng thu nhập như: Lạc, đậu tương, đậu đen..... hoặc trồng một số loại cây như đậu Kudu, đậu mèo Thái Lan, cây lạc dại, cây họ đậu khác

2.5 Vệ sinh đồng ruộng

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng bằng cách cắt bỏ chồi vượt, cành tăm, cành la, tỉa cành trong tán, cắt cành sâu bệnh, thu gom  cành, lá rụng đem đốt, nhặt quả rụng, quả sâu bệnh xử lý và đem chôn. Làm cỏ sạch sẽ, phát quang bờ bụi.

2.6 Tạo hình, tỉa cành, tỉa quả

Trong quá trình chăm sóc thường xuyên phải cắt bỏ chồi vượt, cành già, cành tăm, cành la, cành vượt ra khỏi tán, cành bị che khuất trong tán, cành khô, cành sâu bệnh.

 Nên tạo tán hình mâm xôi tròn đều bốn phía thông thoáng.

Tỉa quả: Trên cây không nên để quá nhiều quả. Sau khi quả đã ổn định rụng sinh lý, tiến hành vặt bỏ quả nhỏ, quả còi cọc, quả nám, quả vẹo....để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả to đều, mẫu mã quả đẹp.

2.7 Bón phân thúc

2.7.1 Liều lượng bón
 

Tuổi cây

Phân chuồng (kg/cây/năm)

Vôibột (kg/cây/ năm)

Phân vô cơ (g/cây/năm)

Urê

Supe lân

Kali Clorua

1 - 3 tuổi

20

0,5

120 - 300

300 - 600

100 - 300

4  - 6 tuổi

35 - 40

1,0

400 - 600

400 - 800

400 - 500

>=7 tuổi

50 - 70

1,5

800 - 1000

1.000-1.500

600 - 800

2.7.2 Phương pháp bón

Phân chuồng: Đào rãnh 2 bên theo hình chiếu của tán cây, sâu 25 - 30cm (cây nhỏ đào vòng tròn theo hình chiếu tán cây), tiến hành trộn đều phân chuồng với lân, đất bỏ vào rãnh và lấp đất kín. Rải vôi bột xung quanh tán cây. Bón phân khoáng: Đào rãnh 2 bên theo hình chiếu của tán cây, sâu 5 - 10cm, tiến hành rải phân, trộn đều với đất và lấp kín.

Chú ý khi bón phân đất phải đủ ẩm hoặc sau khi bón xong phải tưới nước. Không bón  khi nhiệt độ quá cao trên 350C hoặc quá thấp dưới 150C.

* Thời vụ bón phân:

Tháng 1 - 2: Đạm 40 % + Kali 40 %

Tháng 4 - 5: Đạm 30 % + Kali 30 %

Tháng 6 - 7: Đạm 30 % + Kali 30 %

Tháng 9 - 10 (sau khi thu hoạch quả): Lân 100% + Vôi 100% + Phân chuồng 100%

2.8 Phòng trừ sâu bệnh

Chọn đất thích hợp, xử lý đất trước lúc trồng. Chọn cây giống sạch bệnh, sinh trưởng khỏe, đúng giống, đúng tiêu chuẩn giống. Làm cỏ, bón phân phải kịp thời, đúng với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây, đúng liều lượng... Thực hiện tốt công tác tủ gốc, tưới nước, giữ ẩm tốt theo đúng quy trình. Thường xuyên đánh nhánh tạo hình kịp thời tạo cho tán cân đối, thông thoáng, hạn chế sự ẩn nấp và phát triển của sâu bệnh. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng cắt cành sâu, bệnh, thu gom lá rụng, cắt tỉa chồi kịp thời, tạo hình tốt, làm cỏ sạch sẽ. Quét gốc bằng boócđô định kỳ vào cuối năm... Ngoài ra có thể dùng phương pháp phòng trừ bằng biện pháp cơ học và sử dụng hóa chất.

3 Thu hoạch

Khi quả chuyển màu xanh nhạt hoặc vàng  xanh, rốn quả bằng, vỏ quả có nổi hằn múi, thịt quả màu hồng nhạt hoặc hồng, có mùi thơm. Nếm thử có vị ngọt và hương thơm đặc trưng của giống. Bưởi hồng Quang Tiến là giống chín vào tháng 8, tháng 9. Thu hái vào ngày khô ráo, trời râm mát, vào buổi sáng và buổi chiều, không nên hái vào lúc có nhiệt độ quá cao, trời mưa, sương mù....


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 13
Tất cả: 4363844
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com