Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN KHKT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
GIỚI THIỆU CHUNG
Bản in Lần xem : 4036

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN KHKT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
Tin đăng ngày: 21/5/2015

(Ban hành kèm theo Quyết định số1519/QĐ-KHNN, ngày 22 tháng12 năm 2008 

của Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam)

 

PHẦN MỞ ĐẦU

 Viện Khoa học KTNN Bắc Trung Bộ được thành lập theo quyết định số 220/QĐ-TTg ngày 09 tháng 09 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 2/2006/QĐ-BNN ngày 10/01/2006 của Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT trên cơ sở sáp nhập Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Bắc trung Bộ thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ thuộc Viện nghiên cứu Rau quả và Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông  nghiệp Huế.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ nông nghiệp cho vùng Bắc Trung bộ. Viện là trung tâm vùng Bắc Trung bộ, nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao các công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập của nông dân và góp phần phát triển nông thôn theo định hướng Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá.

  1. Tính cấp thiết

Các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội cho phép phát triển một nền nông lâm nghiệp thuỷ sản đa dạng.

Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 5,151 triệu ha (bằng 15,64% diện tích cả nước). Diện tích đất nông nghiệp là 754,2 nghìn ha (bằng 8,02% diện tích của cả nước).

Địa hình, khí hậu, đất đai phong phú gồm các tiểu vùng sinh thái khác nhau thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng và vật nuôi.

Dân số Bắc Trung bộ có khoảng hơn 10 triệu người (chiếm 13% dân số của cả nước). Trong đó khoảng 5 triệu người trong độ tuổi lao động. Người dân Bắc Trung bộ cần cù thông minh và chịu khó…

Tuy nhiên, đến nay Bắc Trung Bộ vẫn là vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vùng có tỷ lệ nghèo đói tương đối cao, GDP bình quân đầu người đạt 3.483,4 nghìn đồng/người/năm (năm 2002) chỉ bằng 51,79% trung bình cả nước. Giá trị sản phẩm tính trên ha canh tác còn thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 15-17 triệu đồng/ha. Về kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Bắc Trung bộ so với cả nước còn quá khiêm tốn, chưa phát huy hết  tiềm năng. Trung bình kim ngạch xuất khẩu của vùng  Bắc Trung bộ chỉ đạt 18 đô la/ người (năm 2002), trong khi đó của cả nước là 62,8 đô la/ người.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ như: Khí hậu khắc nghiệt (nắng nóng, hạn hán, gió lào, bão lụt xuất hiện với tần suất cao hơn so với các vùng khác) đất đai kém màu mỡ, xa khu đô thị khu công nghiệp lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng), thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn… Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là yếu về tiềm lực khoa học và công nghệ. Trước khi thành lập Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ, trong vùng Bắc Trung bộ mới chỉ có 2 trung tâm nghiên cứu về khoa học nông nghiệp (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Bắc Trung bộ và Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ) với lực lượng cán bộ nghiên cứu còn ít, thiếu cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao cho nghiên cứu và chuyển giao (1 Tiến sỹ, 15 cán bộ đại học), thiếu dụng cụ trang thiết bị máy móc phục vụ thí nghiệm  cũng như các phương tiện kỹ thuật để tiếp cận các thông tin khoa học kỹ thuật mới. Các đề tài nghiên cứu Khoa học công nghệ cũng như các dự án sản xuất thử nghiệm còn nhỏ lẻ, phân tán, nên các kết quả còn  rất nhiều hạn chế. Hầu hết các tiến bộ kỹ thuật (giống mới, kỹ thuật canh tác) chưa áp dụng đầy đủ và phát huy hết tác dụng cho sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Những năm gần đây, sau khi thành lập Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ, tiềm lực Khoa học công nghệ của Viện đã từng bước được cải thiện, số cán bộ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể về số lượng và chất lượng , trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu ngày càng được tăng cường và các kết quả nghiên cứu Khoa học công nghệ của Viện  đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng.

Để  ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế và để xứng đáng là Viện đầu ngành về nông nghiệp trong vùng, chỗ dựa tin cậy của người dân, thì việc xác định chiến lược phát triển Khoa học công nghệ trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách.

  1. Căn cứ xây dựng chiến lược

Các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và PTNT:   Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII (1996) và kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa IX (2002) về khoa học và giáo dục; Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ của nhà nước giai đoạn 2006-2010; Nghị định 115/2005/NĐ-CP qui định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Quyết định của Thủ Tướng chính phủ số 171/2004/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới cơ chế quản lý Khoa học công nghệ; Quyết định 930/2005/QĐ- TTg ngày 20/6/2005 phê duyệt qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản đến 2010 và tầm nhìn 2020; Quyết định 220/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 về việc thành lập Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Quyết định  02/2006/QĐ-BNN ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thành lập Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ - Tên giao dịch bằng tiếng Anh: Agricultural Science Institute of Northern Central Vietnam; Luật Khoa học Công nghệ (2000).

Chiến lược phát triển KHCN của Viện KHNN Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020; Chức năng nhiệm vụ của Viện KHKTNN Bắc Trung bộ; Định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội của các địa phương trong vùng; Nghiên cứu của Viện đặt trong mối quan hệ với các đơn vị trong toàn VAAS, đặc biệt là Viện vùng.

  1. Phương pháp tiếp cận xây dựng chiến lược

- Tiếp cận theo vùng sinh thái: Xác định các loại cây trồng chủ lực, cây trồng lợi thế,  theo hướng hàng hoá để sản xuất các mặt hàng nông sản đặc sản  có giá trị kinh tế cao trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu.

Gắn kết nghiên cứu với sản xuất vào các nhu cầu của thị trường nhằm đa dạng hoá nghành nghề cũng như sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Gắn liền nghiên cứu và đào tạo nhằm phát huy nội lực, kỹ năng và khả năng độc lập trong nghiên cứu của nhà khoa học và thông qua các chương trình, dự án, đề tài  để tăng cường các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cúu khoa học.

- Tiếp cận thị trường khoa học công nghệ khu vực và thế giới: Xác định, lựa chọn các công nghệ mới có ý nghĩa quyết định cần phải áp dụng để có thể làm ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh của vùng trên thị trường.

 Phần 1:  THỰC TRẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA ĐƠN VỊ

1.1. Thành tựu

1.1.1. Tiềm lực Khoa học công nghệ đã được tăng cường.

Đến nay, tiềm lực khoa học và công nghệ của Viện đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Từ 3 Trung tâm nhỏ (Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Bắc Trung bộ, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ quỳ và Trung tâm cây ăn quả Thừa Thiên Huế) đã hình thành Viện với đội ngũ cán bộ Khoa học công nghệ đông đảo gồm: 1 Phó giáo sư Tiến sỹ, 16 thạc sỹ, 45 cán bộ có trình độ đại học trong tổng số 116 biên chế. Hiện tại, Viện đang cử đi đào tạo 4 nghiên cứu sinh và 8 thạc sỹ ở trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có gần 30 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đang hợp đồng nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau tại Viện.

Hầu hết các cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu ở nhiệu lĩnh vực khác nhau như chọn tạo giống cây trồng nông nghiệp, nghiên cứu qui trình kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ đất, môi trường…

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thành lập Viện, số nhiệm vụ và kinh phí cho công tác nghiên cứu của các đề tài dự án tăng lên đáng kể. Đến năm 2008, Viện được giao chủ trì thực hiện 1 đề tài cấp nhà nước, 3 đề tài và dự án cấp Bộ, 8 đề tài cấp cơ sở và 3 dự án hợp tác quốc tế.

1.1.2. Thực trạng về đầu tư

- Tuy mới thành lập, nhưng Viện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt nam và lãnh đạo các ban ngành  của các địa phương trong vùng.

- Viện đã được đầu tư dự án xây dựng cơ bản với nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng Châu Á (ADB) tổng kinh phí 30 tỷ đồng (giai đoạn 1). Viện cũng đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án về tăng cường trang thiết bị phòng thí nghiệm với kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng.

- Cho đến nay, kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (1 đề tài cấp nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ và 9 đề tài cấp cơ sở) khoảng 2 tỷ đồng/năm.

- Hàng năm Viện được đầu tư kinh phí cho các dự án sản xuất thử, dự án khuyến nông cho các cây trồng triển vọng (Năm 2008 với kinh phí gần 1 tỷ đồng).

- Ngoài ra Viện cũng đang thực hiện các dự án hợp tác quốc tế với một số nước Australia, Sudan, Hàn Quốc với kinh phí khoảng 5 triệu USD.

1.1.3. Khoa học và công nghệ đang đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Việc nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ Khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất kết hợp với công tác khuyến nông đã thu được kết quả đáng kể trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng.

- Viện đã có những  đóng góp to lớn vào công cuộc  phát triển và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, cụ thể cho từng loại đất và từng loại cây trồng như kết việc mở rộng diện tích lạc Thu Đông ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An trên đất trồng khoai lang hoặc ngô đông đã giải quyết giống lạc cho vụ xuân, giảm được thời gian bảo quản lạc giống trong kho và tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống. Tại Nghệ An, năm 2002 áp dụng sản xuất lạc vụ Thu Đông để làm giống cho vụ xuân với diện tích 20 ha, thì đến vụ Đông năm 2004 đã sản xuất 2.340 ha lạc vụ Đông và cung cấp đủ lạc cho vụ xuân 2005.

- Đã chọn tạo được các giống cây trồng năng suất cao ổn định thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ.

+ Giống lúa năng suất cao: CRO1, CRO2, NX30, AYT77, Xi21, Xi23, Nhị ưu 838… là những giống lúa Xuân năng có suất cao hơn nhiều so với các giống được trồng phổ biến trong vùng.

Các giống lúa này đã và đang được canh tác rộng rãi hầu hết ở vùng Bắc Trung bộ. Việc sử dụng các giống lúa cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý đã làm tăng năng suất lúa bình quân từ 40,6 tạ/ha/năm 2000 lên 46,3 tạ/ha/ năm 2003. Đặc biệt vừa qua (năm 2007), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận và cho phép mở rộng 3 giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt (BT1, Dưu 725, Nhị ưu 725) vào sản xuất trên diện tích hàng nghìn ha ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó  ưu điểm  của giống BT1 là có  thời gian sinh trưởng cực ngắn, gieo trồng rất thích hợp cho vụ Hè Thu, năng suất  cao và ổn định trong các điều kiện thời tiết bất thuận.

+ Các giống lạc mới: Sen lai, L14, L20, TB25, Shán dầu 30 có năng suất cao, khả năng chịu hạn và sâu bệnh khá. Đây là những giống đã được áp dụng rộng rãi vào sản xuất ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kết quả cho thấy, việc canh tác và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý  của các giống lạc mới này trên diện rộng đã thu được năng suất cao và sản lượng lạc không ngừng tăng lên hàng năm. Cụ thể năm 2000, năng suất lạc bình quân của tỉnh Nghệ An mới đạt 13,78 tạ/ha, đến năm 2004 năng suất lạc bình quân đã đạt 20,15 tạ/ha.

+ Giống sắn mới: KM94, NA1 năng suất cao (60-70 tấn/ha) đã và đang thay thế dần các giống sắn địa phương năng suất thấp và đang được canh tác với diện tích gần 3.000 ha hàng năm ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế làm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

+ Giống quýt PQ1 năng suất cao (35-50 tấn/ha), chín muộn nên giá thành cao đang được canh tác trên nhiều địa bàn ở các huyện miền núi Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Biện pháp kỹ thuật

+ Nghiên cứu và ứng dụng thành công qui trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho tổ hợp lai Nhị ưu 838 tại các tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Thành công này đã góp phần nâng cao tỷ lệ sản xuất hạt lai trong nước lên đến trên 20% (năm 2004), hạ giá thành sản xuất hạt lai (chỉ bằng ½ giá giống nhập từ Trung Quốc và chủ động hơn trong việc cung ứng hạt giống lúa lai cho vùng Bắc Trung bộ).

+ Nghiên cứu và ứng dụng thành công qui trình tổng hợp sản xuất lạc đạt năng suất cao trên 5 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay ở Việt nam và đang được canh tác phổ biến rộng rãi ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh.

+ Nghiên cứu ứng dụng thành công qui trình sản xuất rau an toàn tại thành phố Vinh, Huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Sản phẩm rau an toàn đã được hệ thống siêu thị Metro ở Việt Nam chấp nhận, phục vụ rộng rãi cho nhu cầu tiêu dùng của  nhân dân trong vùng cũng như các địa phương khác.

1.1.4. Về hợp tác quốc tế.

Viện đã hợp tác với một số trường Đại học, Viện nghiên cứu nông nghiệp của một số nước: Trường Đại học Sydney – Úc, Viện hàn lâm nông nghiệp Quảng Đông về các lĩnh vực giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản phẩm và nghiên cứu các biện pháp thâm canh tổng hợp cho  một số loại cây trồng. Viện cũng đã ký dự án hợp tác với Sudan về nghiên cứu sản xuất lúa. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, cán bộ khoa học đã và đang có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới về lĩnh vực khoa học nông nghiệp của khu vực và thế giới. Đồng thời qua đó, trang thiết bị và phương tiện phục vụ nghiên cứu của Viện ngày càng được cải thiện và tăng cường tốt hơn.

1.1.5. Cơ chế quản lý Khoa học và Công nghệ từng bước được đổi mới và có nhiều tiến bộ

- Đã từng bước ổn định công tác tổ chức: các phòng ban, bộ môn nghiên cứu và trung tâm đã được hình thành với các chức năng và nhiệm vụ cụ thể phù hợp với nhu cầu nghiên cứu và phát triển nông nghiệp đặc thù cho vùng Bắc Trung Bộ.

- Ban hành một số quy chế mới: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học  và công nghệ, quy chế Hoạt động khoa học và công nghệ của Viện và điều lệ hoạt động khoa học và công nghệ ….. tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý khoa học và công nghệ của Viện cũng như công tác triển khai đề tài, dự án của các cán bộ nghiên cứu.

Sự  hợp tác với các địa phương trong vùng, các Viện trong ngành ngày càng được phát triển. Viện đã và đang phối hợp với sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ an, Hà tĩnh thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiển và các kết qủa thu đựợc đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân trong vùng. Bên cạnh đó, Viện cũng đang phối hợp với Viện Rau Quả, Viện bảo vệ thực vật, Viện nghiên cứu mía đường …. thực hiện một số đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở.

Công tác thanh tra và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nghiên cứu khoa học ngày càng đựợc hoàn thiện và tăng cường.

1.2. Yếu kém và nguyên nhân

1.2.1. Yếu kém

- Về tổ chức: Cơ cấu và việc phân bổ cán bộ ở các phòng, ban, bộ môn, trung tâm chưa cân đối, còn nhiều bất hợp lý. Lực lượng cán bộ nghiên cứu KH & CN làm việc tại các bộ môn nghiên cứu chưa phù hợp với trình độ chuyên môn, sở trường và khối lượng công việc được giao.

- Về cán bộ: Hầu hết cán bộ vừa tốt nghiệp tại các trường đại học trong nước, trình độ ngoại ngữ, tin học cũng như kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, chưa đủ năng lực trong nghiên cứu độc lập. Thiếu cán bộ lâu năm có kinh nghiệm đáp ứng được nhu cầu đa dạng trong công tác nghiên cứu…. Các cán bộ Khoa học có trình độ cao còn rất ít, tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sỹ và thạc sỹ còn thấp (13,8%).

Mặt khác, trang thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu còn thiếu, lạc hậu. Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ mới được hình thành. Hiệu quả sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ nhìn chung còn thấp, chưa phát huy hết được năng lực nội sinh, tinh thần chủ động sáng tạo dám nghĩ, dám làm.

- Quan hệ giữa Viện với các Viện, Trường Đại học và địa phương.

Do mới thành lập, công tác hợp tác và phối hợp với các Viện nghiên cứu trong ngành, các trường Đại học trong vùng (Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Hồng Đức) để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học mới bắt đầu trong thời gian gần đây. Do đó, công tác trao đổi thông tin qua các cuộc hội thảo, việc khai thác tiềm năng cán bộ Khoa học và trang thiết bị cho nghiên cứu và đào tạo chưa được phát huy.

Viện đã và đang phối hợp với một số tổ chức, chính quyền địa phương (sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm khuyến nông…) trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên công tác phối hợp, hợp tác chưa sâu, chưa rộng. Việc phối hợp nghiên cứu, chuyển giao mới chỉ dừng lại một số cây chủ yếu như: Lúa, lạc, cây họ đậu và địa bàn phối hợp cũng mới chỉ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Do đó, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện chưa thực sự phát huy và hiệu quả còn thấp.

1.2.2. Các nguyên nhân

Viện mới  thành lập, vừa hoạt động nghiên cứu vừa ổn định tổ chức, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu cán bộ chuyên sâu, nhất là các lĩnh vực mới như tiếp cận và áp dụng các công nghệ cao về công nghệ sinh học, nông lâm kết hợp.

- Nguồn ngân sách của nhà nước đầu tư cho nghiên cứu Khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn thấp, dàn trải nhỏ lẻ, không cân đối cho các nhiệm vụ. trọng yếu và thứ yếu, trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó Viện chưa có chủ trương và qui chế phù hợp nhằm huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển Khoa học Công nghệ.

- Chưa có chiến lược, qui hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên việc cân đối, đào tạo và sử dụng, dẫn đến lúng túng trong việc phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, chuyên ngành được đào tạo. Một số cán bộ phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau, bên cạnh đó còn nhiều người dôi dư, khó sắp xếp.

- Chính sách về cán bộ chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập. Chưa có môi trường làm việc thuận lợi để có thể tuyển dụng và thu hút nhân tài về công tác nghiên cứu tại Viện. Chưa có qui chế hợp lý, hữu hiệu về tiền lương, tiền thưởng tạo động lực đối với cán bộ nhằm phát huy năng lực, khả năng sáng tạo trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

- Về quản lý Khoa học và Công nghệ: Việc quản lý các chương trình dự án, đề tài nghiên cứu còn mang nặng tính hành chính bao cấp. Kiểm tra tiến độ, nghiệm thu các đề tài, dự án thực hiện còn mang nặng hình thức. Chế độ về khen thưởng xử phạt thực hiện chưa đúng mức. Thành viên trong các hội đống tuyển chọn, nghiệm thu đề tài, dự án thiếu trình độ chuyên sâu, nên việc đánh giá về tính cấp thiết, nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu  cũng như các kết quả nghiên cứu còn mang tính chung chung chưa có sức thuyết phục. Việc quản lý cán bộ Khoa học và Công nghệ còn rập khuôn theo chế độ công chức nhà nước.

- Công tác chính trị tư tưởng:  Công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ Khoa học công nghệ còn coi nhẹ. Công tác đấu tranh phê bình, tự phê bình yếu, dẫn đến một số cán bộ Khoa học có các biểu hiện trung bình chủ nghĩa, không chịu rèn luyện về chuyên môn, đạo đức và ảnh hưởng nhiều đến phát triển chung của Viện.

 Phần 2: BỐI CẢNH, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN.

2.1. Bối cảnh Quốc tế

* Xu hướng phát triển Khoa học công nghệ thế giới

Khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu. Sức mạnh của mỗi Quốc gia tùy thuộc phần lớn vào năng lực Khoa học và công nghệ. Vai trò của nguồn nhân lực sáng tạo ngày càng có ý nghĩa quyết  định trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới.

* Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập Quốc tế.

- Khoa học và công nghệ thế giới phát triển với tốc độ ngày càng cao ở các nước, nhất là các nước phát triển đã và đang chuyển từ một nền sản xuất dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông là chính sang nền sản xuất dựa vào tri thức, vào nguồn nhân lực có trình độ cao.

- Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện sẽ gia tăng, nhất là khi chúng ta đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là quá trình vừa hợp tác để phát triển vừa là quá trình đấu tranh giữa các nước để bảo vệ lợi ích Quốc gia.

- Loài người đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: Dân số tăng nhanh, nạn đói nghèo và môi trường suy thoái.

- Phát triển nông nghiệp không thể tách khỏi phát triển nông thôn.

- Cũng trong thời gian này việc cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thế giới của các mặt hàng nông sản diễn ra ngày một gay gắt. Bắc Trung Bộ ngoài lúa gạo, còn có các mặt hàng nông sản khác có lợi thế xuất khẩu như cà phê, cao su, chè, hạt tiêu, …cũng đang gặp nhiều trở ngại với các nông sản cùng loại từ các nước khác và đặc biệt là từ Thái Lan. Thái Lan là nước nông nghiệp phát triển, các mặt hàng nông sản của Thái Lan đặc biệt là lúa gạo đã đang có ưu thế về cả năng suất, chất lượng và giá cả trên thị trường trong nước cũng như trong khu vực, ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam và đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ (nơi mà hàng nông sản của Thái Lan đang chiếm ưu thế và đang được người tiêu dùng ưa chuộng).

2.2. Bối cảnh trong nước

Hiện nay nước ta đã trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO, là thành viên của hiệp hội ASEAN, AFTA. Hội nghị lần thứ 4 của ban chấp hành Trung ương đảng khoá X ngày 05 tháng 02 năm 2007 đã có quyết định số 08-QĐ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Ngày 09 tháng 03 năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định số 612/QĐ-BNN-HTQT về chương trình hành động của ngành tham gia hôi nhập Quốc tế.

Để thực hiện tốt chương trình hành động của Chính phủ và của ngành nông nghiệp, các cơ quan và Chính quyền các cấp đang nỗ lực trong các hoạt động cụ thể mà Chính phủ và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Trong thời gian này, các tỉnh Bắc Trung bộ đang nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau: Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế… Nhiều chương trình dự án đang được triển khai.

- Các dự án về giao thông và thuỷ lợi, đặc biệt ở các vùng núi phía tây Bắc Trung bộ đã mở rộng diện tích tưới cho lúa, cây trồng cạn và tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế thương mại giữa các vùng và nước bạn (Lào).

- Các dự án trồng rừng đã khuyển khích các tổ chức hộ, trang trại đầu tư vào khai thác đất sản xuất nông nghiệp.

- Các dự án nghiên cứu sản xuất giống cây trồng nông nghiệp đang khuyến khích các Viện nghiên cứu, trường đại học tạo ra ngày càng nhiều giống cây trồng năng suất cao và chất lượng tốt cho vùng…

- Các tỉnh Bắc Trung bộ cũng đang thực hiện nghị định 64 của Chính Phủ về việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân, vận dụng chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng, cho thế chấp đất đai để tạo ra sự năng động sử dụng đất có hiệu quả.

Cũng trong thời gian này, tại vùng Bắc Trung bộ có nhiều khu công nghiệp, nhà máy mới mọc lên: Nhà máy thuỷ điện A lưới (Thừa Thiên Huế), Thuỷ điện Bản vẽ (Nghệ an), nhà máy xi măng… Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhiều người dân thiếu đất canh tác. Bên cạnh đó, nạn phá rừng ngày càng gia tăng, chất thải công nghiệp từ các nhà máy và việc sử dụng tràn lan đã làm cho sự ô nhiễm môi trường ở một số nơi trong vùng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt lũ lụt, bão gió và hạn hán trong những năm gâng đây đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề. Mùa màng thất bát, nhà cựa sụp đổ, đường sá giao thông bị phá huỷ nghiêm trọng. Đời sống nhân dân trong vùng Bắc Trung Bộ gặp nhiều khó khăn.

2.3. Cơ hội và thách thức phát triển Khoa học công nghệ.

2.3.1. Cơ hội

- Viện được hoạt trong một hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ thống nhất, đó là Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

- Trong xu thế toàn cầu hoá và hướng tới kinh tế tri  thức, các cán bộ nghiên cứu của Viện có cơ hội thuận lợi để tiếp cận với nền Khoa học công nghệ tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, có điều kiện tranh thủ, lựa chọn những thành tựu KH & CN và kinh nghiệm tổ chức quản lý tiên tiến của nước ngoài, áp dụng sáng tạo để rút ngắn con đường CNN-HĐH nông nghiệp nông thôn.

- Tài chính cho công tác nghiên cứu KH&CN và chuyển giao công nghệ ngày một cải thiện hơn. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện có điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ…. Trang thiết bị máy móc, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu Khoa học dần được đổi mới.

- Việc đổi mới cơ chế quản lý KH&CN của nhà nước theo Luật KH&CN, nghị định 115 của chính phủ tạo điều kiện cho Viện và các đơn vị trực thuộc có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động hơn trong công tác nghiên cứu và triển khai KH &CN.

2.3.2. Thách thức

- Đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu,đặc biệt là cán bộ có trình độ cao. Bên cạnh đó,  trình độ tin học và ngoại ngữ của hầu hết cán bộ yếu.

- Một số cơ chế chính sách về phát triển KH&CN chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện hấp dẫn cho các nhà đầu tư, trong nước và nước ngoài, chưa thu hút được các nhà Khoa học có chuyên môn cao về làm việc.

Điều kiện sinh thái vùng Bắc Trung bộ đa dạng (miền núi, trung du ,đồng bằng), khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại giữa các vùng chưa thuận lợi, tập quán sản xuất manh múi, nhỏ lẻ, đã gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các nội dung nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là phát triển vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

 Phần 3: QUAN ĐIỂM MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHCN CỦA ĐƠN VỊ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

3.1. Quan điểm

* Phát triển KHCN: Phải nhằm vào các mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, xói đói giảm nghèo, đảm bảo cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học và an toàn môi trường.

- Nghiên cứu cần có trọng tâm, trọng điểm, Viện tập trung chủ yếu vào nghiên cứu ứng dụng, kết quả nghiên cứu cần phải mang tính công nghệ trọn gói, cần phải căn cứ vào lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và công nghệ, thế lợi vùng để phát triển các mặt hàng nông sản có giá trị hàng hoá cao.

Đặt nghiên cứu của Viện trong mối quan hệ với các Viện trong VAAS và các địa phương trong vùng đẻ liên kết phối hợp.

Đặt nghiên cứu của Viện theo mô hình nghiên cứu tự chủ ,tự chịu trách nhiệm (nghị định 115)

3.2. Mục tiêu.

3.2.1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh và phát triển Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ trở thành viện đầu ngành về lĩnh vực Nông Nghiệp của vùng, có tiềm lực khoa học công nghệ cao, có khả năng khai thác  hiệu quả tiềm năng Nông lâm ngư của vùng, nâng cao năng suất các loại cây trồng chủ lực, phát triển sản xuất các mặt hàng Nông sản có lợi thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá Nông nghiệp nông thôn.

3.2.2. Mục tiêu cụ thể:

* Nhóm giống: Tuyển chọn các bộ giống cây trồng thích hợp trên đất Nông nghiệp cho từng tiểu vùng sinh thái.

a. Cây lương thực

- Lúa: Sử dụng kết hợp các công nghệ cao với các phương pháp truyền thống và nhập nội nhằm tạo ra các giống lúa cho sản xuất thâm canh, có tiềm năng năng suất cao (cao hơn đối chứng 1 tấn/ha), chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất thuận, phục vụ được  cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Ngô: Chọn tạo các giống ngô lai ngắn ngày, tiềm năng năng suất cao 8-10 tấn/ha phù hợp với sinh thái vùng Bắc Trung Bộ.

- Sắn: Chọn lọc các giống sắn có năng suất củ và hàm lượng tinh bột cao (năng suất từ 50-60 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 13 -15%).

- Khoai lang: Chọn tạo được các giống khoai lang có năng suất cao (20-25 tấn/ha) chất lượng tốt cho vùng Bắc Trung Bộ.

b. Cây công nghiệp ngắn ngày

- Lạc: Chọn các giống năng suất cao (5-6 tấn/ha) chịu hạn, chống chịu sâu bệnh, thích hợp cho các vùng thâm canh.

- Đậu tương: Tuyển chọn đựợc các giống đậu tương có tiềm năng năng suất cao (đạt 3,5 tấn/ha) chất lượng tốt thích hợp cho vùng sinh thái Bắc Trung bộ.

- Đậu xanh: Tuyển chọn được các giống đậu xanh năng suất đạt từ 1,5-2,5 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh ngắn ngày, chín tập trung, phục vụ cho luân canh tăng vụ.

c. Cây công nghiệp dài ngày

- Cây cà phê: Chọn tạo được các giống cà phê chè năng suất cao (cao hơn 20-30% so với đối chứng), chất lượng tốt, chống chịu được bệnh gỉ sắt đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Chè: Chọn lọc  được các giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp với điều kiện  sinh thái của vùng, để sản xuất các loại chè đặc biệt (cao cấp)

- Cao su: Chọn  tạo được các bộ giống cao su có năng suất mủ cao, thích hợp với điều kiện sinh thái để mở rộng diện tích cao su trong vùng.

d. Cây ăn quả

- Chọn lọc được các giống cây ăn quả có giá trị thương phẩm cao, đặc biệt là cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh (cam Xã Đoài, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà…) theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, ít hạt cho sản xuất thâm canh phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

- Tuyển chọn bộ giống dứa Cayen có năng suất cao (60-70 tấn/ha), chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh phục vụ cho các vùng nguyên liệu.

đ. Cây rau và hoa

- Cây rau: Chọn tạo một số giống rau chủ lực (cà chua, dưa chuột, dưa hấu, giống đậu rau, ớt cay…) có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt yêu cầu xuất khẩu, chế biến công nghiệp và các giống có thể trồng trái vụ.

- Cây hoa: Tuyển chọn  được  các giống hoa mới có giá trị kinh tế cao (Phong lan, cúc, hoa hồng, lay ơn, lily… có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện các vùng sinh thái khác nhau ở Bắc Trung bộ được thị trường trong nước và nước ngoài chấp nhận, mang lại  hiệu quả kinh tế tăng từ 10 – 15% so với các giống đối chứng.

3.3. Nhóm các giải pháp

- Xây dựng các biện pháp canh tác thích hợp với từng giống cây trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với từng tiểu vùng sinh thái khác nhau.

.+ Tạo ra các qui trình công nghệ về sản xuất lạc, sản xuất cây ăn quả đặc sản, sản xuất rau sạch, sản xuất cây công nghiệp dài ngày gắn liền với công nghệ chế biến sau thu hoạch làm tăng hiệu quả kinh tế của các sản phẩm trên từ: 20-50%.

+ Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông lâm  kết hợp, theo hướng sản xuất hàng hoá nâng cao hiệu quả kinh tế đất trên cây trồng.

+ Tăng cường nghiên cứu sinh thái nông nghiệp, mở rộng các mô hình kinh tế trang trại theo hướng bền vững, khai thác và bảo vệ môi trường.

- Về đào tạo: Đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật giỏi có am hiểu về thực tế, có khả năng giải quyết những vấn đề mà thực tiễn sản xuất yêu cầu. Đồng thời tiếp cận và từng bước đi thẳng vào các lĩnh vực cao của công nghệ sinh học như công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh …

- Xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Xây dựng phòng thí nghiệm đầy đủ hệ thống trang thiết bị máy móc tiên tiến phục vụ nghiên cứu.

+ Xây dựng hệ thống thông tin.

 Phần 4: NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KHCN ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

4.1. Định hướng nghiên cứu

- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, có lợi thế cạnh tranh với nông sản trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

- Nghiên cứu chế độ canh tác, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm né tránh thiên tai, nâng cao hiệu quả kinh tế của một ha gieo trồng ở các vùng sinh thái khác nhau.

- Nghiên cứu thực hành nông nghiệp tốt để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghiên cứu sử dụng thiên địch, sản xuất thuốc BVTV sinh học, thuốc có nguồn gốc thảo mộc; phối hợp nghiên cứu tổn thất sau thu hoạch, công nghệ bảo quản nhất là với rau, hoa và quả; công nghệ tưới tiết kiệm và giữ ẩm.

- Nghiên cứu phát triển cây thức ăn chăn nuôi theo hướng đa dạng hoá về chủng loại và giàu dinh dưỡng, trong đó ưu tiên phát triển nguồn thức ăn xanh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.

- Nghiên cứu phát triển hệ thống khuyến nông, coi trọng việc xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức tham quan tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

- Phát triển doanh nghiệp Khoa học công nghệ, hệ thống chuyển giao để chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất góp phần vào việc thực hiện nghị định 115 của Thủ tướng chính phủ.

- Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ: Khuyến khích cán bộ công nhân viên của Viện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, tiếp tục cử cán bộ đi tu nghiệp trong và ngoài nước. Tăng cường đổi mới trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đáp ứng mục tiêu Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 4.2. Nhiệm vụ cụ thể

4.2.1. Về nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ

*Giai đoạn 2009 – 2015

4.2.1.1. Chọn tạo và phát triển giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận.

a. Lúa thuần

- Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa năng suất cao cho các vùng sản xuất thâm canh. Tập trung tuyển chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (90-110 ngày) năng suất cao 6,5-7,5 tấn/ha để tránh rét vụ xuân và bão lụt trong vụ mùa.

- Nghiên cứu tuyển chọn và cải tiến giống lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tập trung tuyển chọn, phục tráng và duy trì, phát triển các giống lúa đặc sản có thời gian sinh trưởng ngắn (90-110 ngày), năng suất trên 5,0 tấn/ha, chất lượng gạo tốt (hạt gạo dài >6,5 mm, tỷ lệ dài/rộng > 3 lần, gạo trong, ít hoặc không bạc bụng, hàm lượng amylose 20-25%, cơm dẻo thơm).

- Nghiên cứu tuyển chọn và cải tiến giống lúa cho những vùng có điều kiện khó khăn (hạn hán, úng lụt, phèn, mặn) phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Tuyển chọn các giống có năng suất cao hơn đối chứng khoảng 1,0 tấn/ha.

- Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa chống chịu các sâu bệnh hại chính (đạo ôn, rầy nâu…) cho điều kiện sinh thái vùng Bắc Trung bộ.

b. Lúa lai:

- Tuyển chọn và phát triển sản xuất một số tổ hợp lai 2 và 3 dòng mang thương hiệu của Viện theo hướng năng suất cao (năng suất tiềm năng 10-12 tấn/ha, năng suất thực tế 8-10 tấn/ha).

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho một số tổ hợp lai 2 và 3 dòng triển vọng tại vùng Bắc Trung bộ. Xác định vùng, hoàn thiện qui trình thích hợp nhằm nâng cao năng suất sản xuất hạt lai F1 (năng suất đạt từ 2,5-3 tấn/ha). Gắn kết với các nhà doanh nghiệp, thương mại hoá nhanh sản phẩm, chuyển giao, chuyển nhượng, góp phần đưa diện tích lúa lai trong vùng lên 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

c. Cây ngô

- Nghiên cứu tuyển chọn các giống ngô lai ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh Bắc Trung bộ. Các giống ngô ngắn ngày phục vụ cho ngô vụ Đông sau đất 2 lúa và ngô vụ Xuân trên ruộng một vụ lúa ở các vùng miền núi.

d. Cây có củ

- Nghiên cứu tuyển chọn các giống khoai lang năng suất cao, phẩm chất tốt thích ứng rộng cho vùng sinh thái khác nhau ở các tỉnh Bắc Trung bộ.

- Nghiên cứu tuyển chọn các giống khoai lang rau.

- Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống sắn năng suất và hàm lượng tinh bột cao (tỷ lệ chất khô: 40-50%, tinh bột 25-30%) làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

đ. Đậu đỗ

- Nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển đậu đỗ (lạc, vừng, đậu xanh …) có năng suất cao, phẩm chất tốt thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ.

- Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống lạc mới năng suất cao, chất lượng tốt cho các vùng thâm canh.

+ Tuyển chọn và phát triển các giống lạc chịu hạn thích hợp điều kiện khô hạn ở các vùng sinh thái Bắc Trung bộ.

+ Tuyển chọn và phát triển các giống đậu tương năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn cho vụ hè ở vùng Bắc Trung bộ.

+ Tuyển chọn và phát triển các giống đậu xanh năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày, chín tập trung, phục vụ cho luân canh tăng vụ và nâng cao thu nhập cho người dân.

e. Cây ăn quả

 Tuyển chọn và phát triển cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên phát triển cây ăn quả đặc sản như: cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà…

f. Rau và hoa

- Về rau:

+ Tuyển chọn các giống rau chủ lực, có diện tích và sản lượng lớn cho vùng rau hàng hoá tập trung: Cà chua, dưa chuột, ớt cay, dưa hấu, đậu rau… phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

+ Nghiên cứu công nghệ sản xuất rau trái vụ (tập trung nghiên cứu tuyển chọn các dòng rau chịu nhiệt).

- Về hoa:

+ Tuyển chọn và phát triển các giống hoa mới của các loại hoa đang được trồng phổ biến: Hoa hồng, cúc, lay ơn, đồng tiền… có năng suất, chất lượng cao.

+ Tuyển chọn và phát triển một số giống hoa có giá trị kinh tế cao/đợn vị diện tích như: Hoa lily, hoa lan…

g. Cây công nghiệp dài ngày

- Về cây chè: Nghiên cứu tuyển chọn các giống chè chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

- Về cây cao su: Nghiên cứu tuyển chọn các bộ giống cao su năng suất cao và xây dựng các biện pháp canh tác thích hợp cho các vùng sinh thái.

4.2.1.2. Nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao.

- Nghiên cứu các biện pháp thâm canh tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho một số loại cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, đậu…) cho các tiều vùng sinh thái khác nhau ở các tỉnh Bắc Trung bộ.

- Nghiên cứu, hoàn thiện qui trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho một số tổ hợp lai triển vọng.

- Nghiên cứu hoàn thiện qui trình sản xuất lạc Thu Đông cho các vùng sinh thái Bắc Trung bộ.

- Xây dựng các qui trình nhân trồng các giống rau, hoa triển vọng.

- Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch: Bảo quản, sấy, vận chuyển…

- Nghiên cứu hoàn thiện qui trình nâng cao khả năng ra hoa, đậu quả cách năm và nâng cao năng suất, chất lượng cho những cây ăn quả chính.

- Xây dựng hoàn thiện qui trình kỹ thuật canh tác đạt các tiêu chuẩn ASEAN GAP và VIET GAP cho sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cây ăn quả và cây rau.

4.2.1.3. Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp

- Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, giá thành hạ để tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- Nghiên cứu hệ thống cây trồng thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau (miền núi, trung du, đồng bằng…) nhằm tăng hệ số sử dụng ruộng đất, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái. Đối với vùng đồng bằng, tập trung vào việc nghiên cứu cải tiến hệ thống cây trồng, luân canh tăng vụ, đặc biệt vùng sinh thái ven đô nên nghiên cứu ứng dụng trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao (cây hoa, cây thực phẩm cao cấp…). Trên đất phèn chua, mặn, nên nghiên cứu các mô hình sản xuất kết hợp giưa trồng trọt và chăn nuôi. Đa dạng hoá cây trồng (kết hợp cây hàng năm và cây lâu năm cho các vùng gò đồi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chống được hiện tượng xói mòn rửa trôi.

- Nghiên cứu đổi mới phương pháp khuyến nông, chú ý kết hợp nhiều phương thức khác nhau phù hợp với trình độ và điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa. Coi trọng việc xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức tham quan, tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin đại chúng.

* Giai đoạn 2015 – 2020.

- Ứng dụng các phương pháp nghiên cứu mới (lai xa, nuôi cấy bao phấn, nuôi cấy tế bào đơn) kết hợp với phương pháp truyền thống (lai hữu tính, gây đột biến nhân tạo) để tạo các giống mới có các đặc tính mới theo ý muốn (chống chịu, năng suất cao và chất lượng tốt) để tạo nhanh các cây trồng quan trọng.

- Nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học phục vụ chế biến hàng nông sản.

- Nghiên cứu ứng dụng và cải tiến các công nghệ sản xuất các loại vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân…

4.2.2. Tăng cường tiềm lực Khoa học và công nghệ

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất, đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

- Xây dựng một số phòng thí nghiệm (Công nghệ sinh học, sinh lý sinh hoá…) có trang thiết bị hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ Khoa học và công nghệ có trình độ chuyên sâu cao, tâm huyết với nghề. Phần đấu đến năm 2020, có từ 50% số cán bộ khoa học trở lên có trình độ trên đại học (Ths, TS).

 Phần 5: HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP

5.1. Giải pháp tổ chức

- Sắp xếp lại tổ chức (phòng, ban, bộ môn, trung tâm) phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu của nghị đinh 115/NĐ – CP về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Viện sẽ được tổ chức lại theo 4 nhóm công việc sau:

+ Nhóm nghiên cứu cơ bản khoảng 15% biên chế.

+ Nhóm nghiên cứu ứng dụng khoảng 25% biên chế.

+ Nhóm sản xuất kinh doanh khoảng 25% biên chế.

+ Nhóm sản xuất tự túc lương khoảng 10%.

- Giảm thiểu tối đa cán bộ gián tiếp. Đánh giá, phân loại cán bộ và giữ lại hoặc bổ sung các cán bộ có năng lực, có khả năng kiêm nhiệm vào các bộ phận khác và bố trí số cán bộ dôi dư sang làm việc khác.

Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ đề tạo điều kiện cho các cán bộ có thể phát huy hết năng lực sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác.

- Tăng cường vai trò của Hội đồng khoa học và công nghệ của Viện trong việc tham mưu, tư vấn cho Viện trưởng về công tác khoa học và công nghệ của Viện.

5.2. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học trẻ có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt tiếp tục được đào tạo cao hơn (Thạc sỹ, tiến sỹ) ở trong hay ngoài nước.

- Tổ chức các lớp học ngoại ngữ (tiếng anh) để nhanh chóng nâng cao kỹ năng đọc và giao tiếp.

- Tổ chức đào tạo thực hành máy tính về kỹ năng soạn thảo văn bản, xử lý số liệu và truy cập thông tin trên mạng Internet.

- Cử cán bộ khoa học nước ngoài tham gia các khoá tập huấn ngắn hạn, hội nghị, hội thảo.

- Thông qua đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ để làm căn cứ giữ lại cán bộ và đề bạt.

- Ban hành và áp dụng một cách công khai chế độ đãi ngộ đối với cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm để tuyển chọn và giữ lại để thay thế các cán bộ đã về hưu hoặc sắp về hưu.

- Động viên, khen thưởng kịp thời, thoả đáng cho những cán bộ có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.

5.3. Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, tranh thủ các nguồn đầu tư kinh phí, trang thiết bị, máy móc, trao đổi chuyên gia, kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ sớm bắt nhịp với trình độ chung của khu vực và thế giới.

- Thực hiện đa dạng hóa đối tác, hình thức hợp tác quốc tế về KH&CN, lựa chọn được các đối tác chiến lược hợp tác quốc tế về KH&CN, đặc biệt về chuyển giao công nghệ.

5.4. Đổi mới cơ chế quản lý Khoa học và Công nghệ

- Có cơ chế chính sách mới vận hành theo cơ chế thị trường (qui chế thưởng, phạt rõ ràng cụ thể) để các cán bộ nghiên cứu phát huy hết khả năng sáng tạo…

- Tăng cường quyền tự chủ.

- Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo tiến độ, kết quả (kể cả thời gian và chất lượng). Tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai và nâng cao chất lượng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ.

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, phối hợp với các trường Đại học trong vùng và Viện trong ngành, khai thác tốt nguồn lực và cơ vật chất hiện có nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tài cũng như nâng cao trình độ cho các cán bộ khoa học của Viện.

- Phối hợp địa phương (sở Khoa học và công nghệ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông…) để chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu của Viện vào sản xuất nông nghiệp trong vùng.

5.5. Giải pháp về thông tin, chuyển giao công nghệ và khuyến nông.

- Xây dựng thư viện với nhiều đầu sách, tạp chí khoa học, hệ thống mạng Internet truy cập nhanh tới tận phòng ban, bộ môn, Trung tâm nghiên cứu, để phục vụ tra cứu thuận lợi cho các chủ trì và cán bộ nghiên cứu trong toàn Viện.

- Thông tin kết quả nghiên cứu của Viên qua Web, tạp chí, báo viết và báo hình Theo định kỳ hàng tháng, quí, năm.


Các tin Giới thiệu chung khác:

 

CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (4/5/2022)
CƠ CẤU TỔ CHỨC (4/5/2022)
THÀNH TÍCH CHỦ YẾU ĐẠT ĐƯỢC (4/5/2022)
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TIỀM LỰC KHOA HỌC (4/5/2022)
GIỚI THIỆU CHUNG (27/4/2022)
Lễ Công Bố Quyết định Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Bắc Trung Bộ (21/4/2017)
BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2016 (3/01/2016)
Giới thiệu chung (23/11/2012)
Hoạt động định kỳ kiểm tra kết quả thực hiện đề tài/dự án (2/6/2015)
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN KHKT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 (21/5/2015)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 14
Tất cả: 4359063
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com