Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Cần đẩy mạnh mô hình nông nghiệp công nghệ cao
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 4116

Cần đẩy mạnh mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Tin đăng ngày: 23/2/2009

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật nước ngoài. Để NNCNC ở nước ta có điều kiện phát triển, ngoài sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất cũng cần sự hỗ trợ hơn nữa từ Nhà nước.

Nhiều mô hình hứa hẹn

Ở nước ta, các cơ quan nghiên cứu đã hoàn thiện nhiều quy trình, tiến bộ kỹ thuật, công nhận hàng chục giống rau, hoa mới, thích hợp cho vụ sớm và trái vụ. Các nghiên cứu về giá thể sản xuất rau, hoa giống theo quy mô công nghiệp không dùng đất, sử dụng bạt che phủ đất và tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cũng đã được thử nghiệm bước đầu cho kết quả tốt. Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu khác thuộc lĩnh vực giống, bảo vệ thực vật, phân bón, thuỷ lợi, chăn nuôi bước đầu đã có những kết quả ứng dụng trong sản xuất. Nhiều công nghệ cao (công nghệ sinh học, vật liệu mới…) đã được các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất. Một số khu NNCNC của Nhà nước, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hình thành và phát triển.

Huyện Mê Linh (Hà Nội) hiện có hơn 1.000ha sản xuất hoa, chủ yếu cung cấp trong nước và xuất khẩu (khoảng 10%). Các công nghệ mới gồm tạo giống tốt, nhà lưới, vườn ươm, kho mát, bảo quản, đóng gói. Trước đây khi Mê Linh chưa về Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng cho khu NNCNC Mê Linh khoảng 100 trang trại nấm, sản lượng đạt trên 500 tấn /năm; triển khai dự án rau an toàn trên 130 ha, sản lượng đạt 2, 5 vạn tấn/năm, với công thức 5 cấm trong rau sạch, 3 chỉ tiêu an toàn (dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây bệnh, hàm lượng nitrat trong rau).


Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của TP Hồ Chí Minh hiện có 668,2 ha (tương đương 1.005 ha diện tích gieo trồng), trong đó mai vàng là chủng loại chiếm tỷ lệ lớn nhất; hoa lan 64,3 ha, đây là chủng loại hoa mới phát triển nhưng đem lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Tại Lâm Đồng, đã có mô hình sản xuất rau an toàn 600 ha được sản xuất theo hai dạng là công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới không sử dụng phân bón, nông dược vô cơ và cách ly trong nhà lưới có sử dụng giới hạn nông dược vô cơ. Nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa.
Tuy có nhiều mô hình hứa hẹn cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng cũng xuất hiện một vài mô hình cần phải tính toán lại. Khu NNCNC tại Hà Nội và Hải Phòng sử dụng hình thức nhập khẩu “trọn gói” từ nhà màng, thiết bị bên trong cho đến kỹ thuật canh tác. Việc nhập trọn gói như vậy sẽ rất đắt và phụ thuộc; các khu NNCNC này đều thiếu cán bộ có trình độ giỏi về công nghệ. Do đó, trước khi xây dựng một mô hình NNCNC, các nhà chuyên môn cũng cần quan tâm tới điều kiện tự nhiên như đất đai, mực nước ngầm, nguồn nước tưới, giao thông; lưu ý trong khi quản lý và khai thác mô hình.

Còn những hạn chế


Do nguồn nhân lực chưa được đào tạo cơ bản nên khi tiếp xúc ngay với một lĩnh vực công nghệ cao, người vận hành gặp nhiều khó khăn khi sử dụng máy móc, thiết bị, chưa có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp.

Đến nay, đa số các khu NNCNC vẫn phải sử dụng các hạt giống của những công ty bán và chuyển giao công nghệ. Các giống trong nước chưa có kết quả tốt, chưa xác định được bộ giống phù hợp để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có giá bán không cao, do vậy chưa khuyến khích được sản xuất phát triển. Việc đầu tư cơ sở vật chất (nhà kính, nhà lưới, giàn che...) giá thành cao nên nhiều doanh nghiệp còn khó chấp nhận. Nhiều thiết bị, công nghệ nhập tỏ ra chưa phù hợp với điều kiện ở nước ta (hệ thống tản nhiệt và che sáng, thu lại dinh dưỡng...). Điều kiện cách ly chưa tuyệt đối đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xác định được định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng loại cây trồng trong từng thời vụ cụ thể; sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh sản xuất cung cấp khối lượng nông sản lớn, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.


Việc phát triển kinh tế tập thể còn chậm, chưa có những tổ chức hợp tác nông dân lớn nên việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế. Áp lực đô thị hoá tăng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Giá thành sản xuất tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của người chăn nuôi.

Cần đầu tư để đi tiếp

Để nông nghiệp có điều kiện phát triển, phù hợp với xu hướng hiện đại, ngành nông nghiệp xác định từ nay đến năm 2015, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển mạnh các cây, con chủ lực theo hướng NNCNC. Đẩy mạnh chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, xây dựng và định hình các vùng sản xuất giống, hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Gắn nghiên cứu với ứng dụng và chuyển giao công nghệ, gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ, thông qua hình thức kiểm định công nhận giống. Từng bước hình thành trung tâm giống khu vực.

Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu NNCNC tại các tỉnh, thành phố có điều kiện. ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt như: Canh tác rau bằng kỹ thuật thuỷ canh và màng dinh dưỡng; sản xuất các loại hoa, cây cảnh và cây ăn trái sạch bệnh bằng công nghệ cấy mô, vi ghép… ứng dụng kỹ thuật trồng cây nhiều tầng để tận dụng không gian, sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu bằng công nghệ mới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng trọt, sơ chế và bảo quản, chế biến các nông sản bảo đảm chất lượng cao.

Muốn đạt được điều đó thì bên cạnh sự đầu tư từ chính bản thân từng cơ sở, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ chế tạo thiết bị trong nước, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Bên cạnh đó cũng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm thuế, có chính sách ưu đãi về thuê chuyên gia, thu hút chất xám, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu NNCNC.
 


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 29
Tất cả: 4359078
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com