Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
ĐỂ “CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI” Ở NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 590

ĐỂ “CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI” Ở NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tin đăng ngày: 14/9/2022
Là quốc gia hiện có trên 65% dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi không chỉ có cuộc sống yên bình, khung cảnh thiên nhiên sinh động, mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, VN có thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với NT.

Thời gian qua, từ mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, nhiều địa phương đã đẩy mạnh du lịch xanh theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường...

Thu nhập cao hơn khi nông nghiệp và du lịch “kết đôi”

Việt Nam có diện tích vùng nông thôn lớn, với các điều kiện tự nhiên đa dạng, có vùng núi cao, trung du, cao nguyên, đồng bằng, duyên hải ven biển, với nhiều vùng trồng cây nông nghiệp chuyên canh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc... Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ở nông thôn.

''

Du lịch farmstay ở Thừa Thiên - Huế thu hút người dân và du khách.

Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, những tài nguyên quý giá nhất để làm nên sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đều không phải mua, bởi đó là khí hậu, sông rạch, ánh nắng, ánh trăng, là cảnh quan đồng ruộng và làng xóm. Bên cạnh đó, do vùng nông thôn còn giữ được nhiều phong tục, lễ hội, ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống, nên cùng với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thì các di sản văn hóa này đem lại lợi thế lớn khi phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cũng theo ông Huê, hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, nhưng có thể nói, loại hình du lịch nhà vườn, trang trại đã phát triển từ hàng chục năm nay: ở Thái Nguyên là tham quan đồi chè; Hội An (Quảng Nam) với “Một ngày làm nông dân”; Lâm Đồng khuyến khích “Du lịch canh nông”; Đắk Lắk là trang trại cà phê; Ninh Thuận là tham quan đồng nho và cánh đồng cừu...

Vùng có phong trào làm du lịch nông nghiệp mạnh nhất hiện nay có lẽ là ĐBSCL, với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen ở Đồng Tháp; vuông tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh; rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau; vùng miệt vườn Vĩnh Long, An Giang...

Thực tế là, các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống. Theo khảo sát, hầu hết các hộ nông dân làm du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có thu nhập tăng hơn 30-40% so với chỉ làm vườn, nuôi cá hay trồng hoa. Nhiều người dân cũng trả lời rằng, thích làm du lịch nông nghiệp vì cho thu nhập ổn định.

Nhờ phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, Trà Quế (Hội An) từ làng quê nghèo, chuyên trồng rau đã trở nên khá - giàu, thậm chí, nhiều nông dân có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Kinh doanh du lịch dựa trên khai thác sản phẩm từ nông nghiệp, nông thôn cũng giúp thay đổi cả một bản làng người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới như bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu). Người Mông ở đây xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn, trồng địa lan xung quanh bản... Mọi kiến trúc của bản được người dân bảo tồn và phát huy tối đa văn hóa bản địa để làm du lịch. Năm 2019, Sin Suối Hồ đón gần 20.000 lượt khách. Năm 2020, bản được vinh danh là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu cả nước. Nhìn vào thành quả hiện tại, ít người biết rằng, trước đây, bản Sin Suối Hồ là trọng điểm về ma túy và tệ nạn nghiện hút.

Du lịch nông trại ở Huế

Những năm gần đây, trên địa bànThừa Thiên - Huế đã có một số tour tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, như: trải nghiệm vườn thanh trà Thủy Biều (TP. Huế), trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố hoặc ở vùng Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), vườn rau sạch A Lưới…, thu hút đông đảo du khách.

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh (TX. Hương Thủy), cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài làm kinh tế địa phương những năm vừa qua bị ảnh hưởng nặng. Xã đang tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng một số tiêu chí xây dựng xã trở thành phường gắn với đô thị loại IV; xã nông thôn mới kiểu mẫu.

“Cùng với việc duy trì và phát triển các loại hình dịch vụ để tạo hình ảnh điểm đến và thương hiệu mang đặc trưng riêng, tiêu biểu như: Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn, Chợ quê ngày hội…, xã Thủy Thanh khuyến khích người dân xây dựng, nâng cấp sản phẩm du lịch, dịch vụ homestay, trải nghiệm theo hướng du lịch bền vững, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội đầu tư ở địa phương”, ông Việt cho hay.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, hàng năm địa phương đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch. Nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế thông tin, để có thể hình thành những farmstay hoạt động bài bản, thời gian tới, ngành sẽ xây dựng các mô hình nông trại thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương nhằm tạo các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch.

“Nếu mô hình farmstay phát huy được vai trò, sẽ không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch... Đây là một cách xuất khẩu sản phẩm, là cách phát triển kinh tế bền vững khi có sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch”, ông Phúc nói.

Quy mô còn nhỏ lẻ

Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đa dạng với nhiều loại địa hình rừng núi, động, thác, sông, hồ, biển, đảo. Những khu du lịch sinh thái đang hình thành, tương lai trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa: đồi Rockpile; khe Gió; Khu danh thắng Đakrông; suối nước nóng Klu; thác Chênh Vênh; thác Ồ Ồ; thác Tà Puồng; thác Luồi; động Tà Puồng; động Prai; Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa… Đặc biệt, thác nước Tà Puồng, động Tà Puồng và động Prai nằm liền kề nhau là địa chỉ thú vị cho những ai thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ.

Bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng năm 2020, HTX Nông nghiệp Tân Hợp (Hướng Hóa) đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhiều vườn hoa, cây ăn trái, rau sạch, xây dựng bể cá cảnh; các tuyến đường bê tông nối khu vực ngắm cảnh trong khuôn viên; xây dựng các tiểu cảnh mang đậm bản sắc vùng, miền để du khách ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm.

Theo Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hợp Lê Thị Huệ, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh vừa để kinh doanh, vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng; đầu tư xây dựng nhà lưu trú cũng như không gian giao lưu văn hóa với các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, không gian thưởng thức ẩm thực mang đặc trưng vùng, miền…; xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Hiện, nhiều địa phương ở Quảng Trị bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng và đã đem lại những tín hiệu tích cực và  thu nhập cao cho người dân. Trong đó, tại các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa…, du lịch cộng đồng đã có nhiều tín hiệu khả quan, thu hút khá đông khách tham quan. Có thể khẳng định, thay đổi căn bản nhất khi các làng, xã trở thành những trung tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là thu nhập của người dân tăng lên, nguồn thu của ngân sách dồi dào, chắc chắn sẽ được tái đầu tư cho hạ tầng, giúp cho địa phương khang trang hơn.

''

Du lịch cộng đồng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Quảng Trị vẫn còn hạn chế, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút và níu chân du khách. Trong khi đó, việc thu hút và triển khai đầu tư các dự án du lịch còn chậm, các dự án đã đăng ký đầu tư kéo dài thời gian không triển khai thực hiện hoặc đầu tư không dứt điểm, hoạt động không có hiệu quả. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Một nguyên nhân quan trọng nữa là, Quảng Trị nằm ở vùng duyên hải miền Trung, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ rất cao.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, các mô hình nông trại gắn với du lịch cũng chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa được đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá nên nhanh xuống cấp, khó bảo đảm. Việc tổ chức chủ yếu phục vụ khách đến “check in”, chụp ảnh lưu niệm còn việc trực tiếp chế biến món ăn, lưu trú dài ngày chưa được khai thác tốt. Cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, sự gắn kết giữa nông nghiệp với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao.

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, huyện có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi của tỉnh nói chung và huyện Đakrông nói riêng còn thiếu nguồn nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp; chưa có nhiều chính sách ưu đãi và thiếu sự liên kết, quảng bá rộng rãi để phát triển… Để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, quảng bá hình ảnh đặc sắc về mảnh đất và con người ở miền Tây Quảng Trị, về lâu dài, huyện Đakrông sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; tiến hành quy hoạch các điểm du lịch cũng như ưu tiên đầu tư về hạ tầng, cải tạo, nâng cấp môi trường, cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ; khôi phục các nghề thủ công truyền thống; tăng cường bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống. 

Huyện cũng đã hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch homestay, farmstay. Tìm giải pháp bảo đảm du lịch cộng đồng gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai cho người dân; phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng. Liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm khai thác có hiệu quả loại hình du lịch xanh ở miền Tây Quảng Trị.

Hướng đến phát triển bền vững

Những tháng hè năm 2022 này, du lịch sông nước ở Vĩnh Long tiếp tục thu hút được một lượng khá lớn du khách. Du lịch sinh thái miệt vườn ở 4 xã cù lao An Bình, Hoà Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú (huyện Long Hồ) đã khởi sắc sau chuỗi ngày khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.  Ngoài ra, các cơ sở du lịch ở 4 xã cù lao còn khai thác tốt giá trị làng nghề truyền thống như: cốm, kẹo… ; các nhà cổ, nhà có kiến trúc đẹp, độc đáo cũng được khai thác phát triển du lịch.

Ông Võ Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho hay: Với sản phẩm du lịch đặc trưng vốn có lâu nay, đặc biệt là các homestay, vườn trái cây, Đờn ca tài tử…, ngành du lịch huyện đang xúc tiến kết nối liên kết các vùng. Tỉnh chỉ đạo địa phương liên kết các địa phương lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ... xây dựng tour tuyến đa dạng về dịch vụ, về sản phẩm. Du khách đến đây có cảm giác muốn ở lại và kéo dài thời gian tham quan du lịch tại ĐBSCL nói chung và trên địa bàn Vĩnh Long, Long Hồ nói riêng.

“Thời gian tới, chúng tôi cũng quan tâm quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Để từ đó, du khách có thể tìm thấy điểm thú vị khi tham quan, nghỉ mát tại Vĩnh Long”, ông Sơn cho biết thêm.

Đến nay,  Thừa Thiên - Huế có 13 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 10 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng.

Từ những cơ sở ban đầu này cũng như Nghị quyết phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến 2030, tỉnh sẽ nhân rộng, phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho hay, trong năm 2022, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng theo Đề án về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 . Cụ thể, sẽ thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý và đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Ngoài ra, huyện còn có chiến lược khai thác thế mạnh vùng biển, đầm phá để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội.

TP. Huế cũng định hướng các xã, phường phát triển các mô hình nông nghiệp “sạch” kết hợp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, nâng cao lợi ích kinh tế cho người nông dân... Một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển là du lịch - dịch vụ.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế, cho hay, thành phố đang kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách vào các dự án để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch tâm linh tại các địa phương như Hương Thọ, Thủy Bằng, Hải Dương, Thuận An...; hình thành sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp du lịch biển - đầm phá tại Hải Dương - Thuận An - Hương Phong, tạo ra được sản phẩm du lịch Rú Chá - Cồn Tè kết hợp du lịch nghĩ dưỡng. Đồng thời, rà soát, giới thiệu và đề xuất các vị trí kêu gọi đầu tư phát triển du lịch dịch vụ dọc hai bên trục cảnh quan sông Hương kết nối với các điểm di tích, văn hóa.

Song song với phát triển du lịch - dịch vụ và nông nghiệp, TP. Huế tập trung phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng.

HĐND tỉnh Quảng Trị vừa thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch tại địa phương từ 2022 - 2030. Đây là lần đầu tỉnh này ban hành Nghị quyết hỗ trợ dành riêng để phát triển du lịch với mức hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 72,5 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực, xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin… Cụ thể, tối đa 4 khu du lịch sinh thái, cộng đồng sẽ được hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng mỗi khu.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay: “Thời gian tới, tỉnh sẽ huy động tất cả nguồn lực, tích cực triển khai các dự án đối tác công - tư, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với sông suối, hang động, thác nước, đi bộ băng rừng, tham quan các khu tự nhiên ven biển, tour du lịch “Dòng sông huyền thoại”, đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, farmstay”.

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch trải nghiệm, được xây dựng, tổ chức trên cơ sở lấy hoạt động trong sản xuất nông nghiệp tại nông trại hay trang trại làm trọng tâm. Du khách có thể tham quan, tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp.

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch được tổ chức tại vùng, khu vực nông thôn, với quy mô hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ. Du lịch nông thôn có không gian nhỏ, ưu ái sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên và gắn với các địa điểm văn hóa nổi bật của địa phương.

T. Thành  - KTNT

 

Nguồn  iasvn.org

Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

CÔNG ĐOÀN VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 (08/3/2024)
Đánh giá hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kì kinh doanh và kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP (28/02/2024)
VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024 (30/1/2024)
Diễn đàn Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh” (30/11/2023)
Hội thảo mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 (29/11/2023)
Giao lưu bóng chuyền hơi chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023)
Đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP (10/10/2023)
Rộn ràng “Đêm hội trăng rằm” (27/9/2023)
Giới thiệu các giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (24/8/2023)
“Gương sáng quanh ta” - Lan tỏa những điều tốt đẹp! (10/6/2023)
Giới thiệu chung
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 702
Tất cả: 4362115
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com