Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Giới thiệu chung
GIỚI THIỆU CHUNG
Bản in Lần xem : 4497

Giới thiệu chung
Tin đăng ngày: 23/11/2012

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ được thành lập theo Quyết định số 220/QĐ-TTg ngày 9 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Viện hoạt động theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BNN ngày 10 tháng 1 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, nghiên cứu xây dựng hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ.

Tính đến tháng 12 năm 2014, tổ chức Viện bao gồm: Ban lãnh đạo Viện (Viện Trưởng, các phó Viện trưởng), 03 phòng chức năng, 01 phòng thí nghiệm tổng hợp, 04 bộ môn nghiên cứu và 03 trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Về nhân lực Viện có 131 cán bộ công nhân viên trong biên chế (trong đó bao gồm: 01 phó giáo sư, 02 tiến sỹ, 25 thạc sỹ, 77 cán bộ đại học còn lại là chuyên viên và công nhân kỹ thuật), Viện còn hợp đồng nghiên cứu với hàng chục cán bộ có trình độ đại học và trên đại học.

II. Những thành tựu nổi bật giai đoạn 2006 – 2014

Trong giai đoạn 2006 – 2014, Viện đã triển khai toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và đã thu được các kết quả đáng khích lệ.

1. Công tác nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ KHCN trong thời gian qua có sự chuyển biến cả về số lượng và chất. Tính từ năm 2006 - 2013, Viện đã chủ trì 01 đề tài cấp nhà nước, 02 dự án phát triển nông thôn miền núi, 06 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 03 dự án phát triển giống, 04 dự án sản xuất thử nghiệm, 21 đề tài cấp cơ sở, 3 dự án cấp tỉnh, 1 dự án khuyến nông, 06 đề tài thuộc chương trình nông nghiệp hướng tới khách hàng vốn vay ADB và 02 dự án thuộc chương trình nông nghiệp hướng tới khách hàng vốn vay ADB pha 2. Hàng năm tổng kinh phí các đề tài, dự án có khoảng 12,0 tỷ đồng. Chưa kể các dự án hợp tác quốc tế do Viện chủ trì đã và đang chủ trì thực hiện với kinh phí khoảng 11,0 triệu USD.

Ngoài ra Viện đã ký kết hợp đồng phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án với các cơ quan nghiên cứu khác như: Trung tâm Nghiên cứu Mía đường, Viện Khoa học nông nghiệp miền nam, Viện Cây lương thực và thực phẩm, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện nghiên cứu Ngô, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học,... Tham gia đấu thầu và triển khai một số đề tài dự án cấp tỉnh thuộc Bắc Trung bộ. Viện đã triển khai nghiên cứu có hiệu quả các nội dung phục vụ phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ như: chọn tạo các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp vùng sinh thái. Các giải pháp khoa học công nghệ phát triển các cây con lợi thế của vùng, các nghiên cứu về môi trường, về rau an toàn, về thâm canh cải tạo đất và nông lâm kết hợp. Các nghiên cứu này đã thiết thực góp phần phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ.

- Đã triển khai nhiều nghiên cứu cơ bản có định hướng như thu thập, lưu giữ, đánh giá nguồn gen cây trồng, phục vụ công tác lai tạo; nghiên cứu vi ghép các loại cây ăn quả đặc sản phục vụ sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu; nghiên cứu tính khác biệt gen bằng áp dụng công nghệ tế bào nhằm mục đích chọn giống gốc có đặc tính chất lượng và năng suất cao và phục vụ công tác lai tạo chọn giống. Đã sử dụng các kỹ thuật tổng hợp để điều khiển ra hoa cho nhiều loại hoa quý như Ly ly, Lan hồ điệp, Loa kèn,... nhằm tăng hiệu quả kinh tế sản xuất; đã xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, quy trình sản xuất hoa cúc đầu dòng sạch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người dân.

2. Kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

2.1. Các giống cây trồng mới

- Giống lúa BT1:

Thời gian sinh trưởng cực ngắn (90-100 ngày), hiệu quả trong việc né tránh thiên tai ở vùng BTB, năng suất 60 – 70 tạ/ha.

- Giống lúa lai D.ưu 725, Nhị ưu 725:

Thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại chính, chịu rét khá, chống đổ tốt, năng suất 60 – 80 tạ/ha.

Thích hợp cho vụ Xuân và Xuân muộn.

- Giống lúa lai Thiên ưu 128, Thiên ưu 998:

Thời gian sinh trưởng ngắn: 85 - 95 ngày (vụ Hè Thu), 100 – 110 ngày (vụ Xuân). Năng suất cao: 70 – 80 tạ/ha, thâm canh có thể đạt 90 – 100 tạ/ha, chống chịu tốt với đạo ôn và rầy nâu.

- Giống lúa thơm chất lượng cao LT2:

TGST: Vụ Xuân: 130 – 135 ngày, Vụ Mùa: 105 – 115 ngày. Năng suất: 55 – 60 tạ/ha, hạt gạo trong, cơm ngon, mềm, dẻo, thơm, vị đậm. Thích hợp cho các vùng Bắc Trung bộ.

- Giống lúa cực ngắn NAR5 (FS1):

TGST: 90 – 92 ngày (vụ Hè Thu). Năng suất cao: 60 – 70 tạ/ha, hạt gạo trong, cơm ngon, mềm, dẻo, bóng

- Giống lạc L20:

Năng suất cao (3,5 - 5,0 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt. Diện tích gieo trồng L20 hiện nay đã lên tới hàng ngàn ha và đã được Bộ NN & PTNT công nhận cho phép mở rộng sản xuất.

CamXaDoaitriuqua.jpg

- Giống khoai lang chất lượng KTB1: Năng suất: 15 – 18 tấn/ha

- Giống khoai lang năng suất cao KTB2: Năng suất: 18 – 22 tấn/ha.

- Giống quýt PQ1:

Năng suất cao: 35 – 50 tấn/ha. Chất lượng tốt, thu hoạch trái vụ, độ Brix: 11 – 13%. hàm lượng VTMC 30,2 – 37,7 mg/100g. Chống chịu tốt với bệnh vàng lá.

- Giống bưởi hồng Quang Tiến:

Năng suất đạt 40 – 60 tấn/ha, chất lượng cao.

- Giống sắn NA1:

Năng suất cao 55 - 70 tấn/ ha, thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ.

2.2. Các mô hình chuyển giao tiến bộ

Sản xuất lạc đạt 5 tấn/ha/ vụ: Viện đã nghiên cứu thành công qui trình kỹ thuật sản xuất lạc đạt trên 5,0 tấn/ha trên diện rộng. Kết quả sản xuất lạc đạt trên 5 tấn/ha là kết quả lần đầu tiên thu được ở Việt Nam. Với kết quả nổi bật, mô hình này đã được dự án canh tranh nông nghiệp Trung ương do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho phép mở rộng mô hình 150 ha để nông dân có điều kiện áp dụng trên diện rộng.

Thâm canh chè theo hướng sản phẩm sạch: Qui trình sản xuất chè theo hướng sản phẩm an toàn đạt năng suất từ 15,0 - 22,0 tấn/ha trên diện rộng tại 2 xí nghiệp chè Bãi Phủ (huyện Anh Sơn) và Xí nghiệp chè Thanh Mai (huyện Thanh Chương), tỉnh Nghệ An.

Sản xuất rau an toàn theo GAP: Đã chuyển giao công nghệ sản xuất rau an toàn theo hướng GAP tại các vùng trồng rau của Nghệ An như Quỳnh Lương, Thành phố Vinh, ... sản phẩm đã phân phối qua kênh tiêu thụ là Công ty Metro Cash and Carry Việt Nam. Hàng trăm tấn rau quả đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như cải bắp và dưa hấu lợi nhuận trên 180 triệu đồng/ha. Sản phẩm này cũng đã được chính quyền địa phương và bà con nông dân đánh giá là mô hình điển hình.

 Sản xuất khoai lang hàng hóa đạt chất lượng cao: Viện đang tiến hành tổ chức các mô hình trồng khoai lang chất lượng cao xuất khẩu, và phục vụ cho nhu cầu nội địa. Mô hình các giống khoai lang chất lượng cao KTB1 và giống năng suất cao KTB2, năng suất mô hình đạt 15-20 tấn/ha đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Thông qua dự án phát triển giống khoai lang, hàng năm Viện còn cung cấp cho nông dân hàng trăm tấn giống cây trồng các loại, hàng vạn cây con đạt tiêu chuẩn chất lượng và tập huấn cho hàng ngàn nông dân về các quy trình áp dụng công nghệ mới trong sản xuất.

Các kết quả nghiên cứu của Viện đã làm lợi cho sản xuất ước tính hàng chục tỷ đồng, góp phần đáng kể phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ.

3. Công tác đào tạo và hợp tác quốc tế

Trong quá trình phát triển, Viện đã có những quan tâm đặc biệt về công tác đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học nhằm nắm bắt được những kiến thức công nghệ hiện đại. Trong những năm qua, Viện đã và đang cử đi đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước 14 cán bộ nghiên cứu, trong đó có 2 nghiên cứu sinh, 12 học viên cao học. Tranh thủ cử nhiều cán bộ tham gia đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như: Ngoại ngữ, Kỹ thuật di truyền, test ELIZA, kỹ thuật phân tích quang phổ hấp thụ (ASS), kỹ thuật vi ghép cây có múi, kỹ thuật phân tích sắc ký lỏng, sắc ký khí,..

Viện đã tham gia và chủ trì 3 dự án hợp tác quốc tế hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc và Xu Đăng,...

Viện đang chủ trì 1 dự án hợp tác quốc tế với Cộng hoà Xu Đăng từ 2010-2015, kinh phí khoảng 9,4 triệu USD: “Phát triển sản xuất lúa gạo và một số cây trồng khác tại cộng hòa Xu Đăng.” Kết thúc pha 1, dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp được phía bạn đánh giá cao: Bước đầu đã xác định được một số giống cây trồng có năng suất cao phù hợp các vùng sinh thái Sudan, đặc biệt là một số giống ngô đạt năng suất trên 7 tấn/ha ở điều kiện khô hạn của Sudan. Đã tuyển chọn đuợc một số giống lạc, đậu tuơng, đậu xanh đạt năng suất cao, dự án cũng đã triển khai thành công các giống cải tạo đất; các giống cỏ như giống cỏ voi, VA06 đạt năng suất trên 450 tấn/ha/vụ phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc và có thể để xuất khẩu sang một số nước châu Phi và Tây Á. Đã bước đầu xây dựng quy trình sản xuất thâm canh cho một số cây trồng. Viện đã chủ trì xây dựng một trung tâm phát triển nông nghiệp tại Châu Phi với sự điều hành của các chuyên gia Việt Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tụcc giao Viện chủ trì thực hiện pha 2 của dự án.

Dự án hợp tác với Hàn Quốc: Phát triển sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao đối với cam Xã Đoài, lạc và rau phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Kinh phí của dự án là 1,0 triệu USD. Dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt để sớm được triển khai vào năm 2013.

Đang triển khai 01 chương trình hợp tác với Viện Hàn Lâm khoa học Quảng Đông Trung Quốc về phát triển các giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu với điều kiện khí hậu khó khăn và chống chịu sâu bệnh hại lúa.

Dự án phát triển cây gấc, cây chanh leo tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Viện đang hợp tác với Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An trong việc sản xuất cây sạch bệnh bằng công nghệ tế bào phục vụ cho vùng nguyên liệu.

Viện đang hợp tác với trường Đại học Trung Sinh, Đài Loan trong công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu về chuẩn đoán bệnh hại cây trồng.

Dự án phát triển cây cỏ ngọt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, Viện đang hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Stevia Châu Á, Mỹ đang tiến hành. Hiện tại Viện đang cử một số cán bộ tham gia cùng nghiên cứu về tính thích ứng, tiềm năng cho năng suất của một số giống cây cỏ ngọt tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An.

4. Thành tích

- Tập thể:

04 Huân chương Lao động hạng III

05 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

01 Huân chương Lao động hạng II

- Cá nhân:

01 Huân chương Lao động hạng III

03 Huy chương vì sự nghiệp KHCN

02 Huy chương Vàng tại hội chợ Quốc tế

02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

01 Danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc


Các tin Giới thiệu chung khác:

 

CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (4/5/2022)
CƠ CẤU TỔ CHỨC (4/5/2022)
THÀNH TÍCH CHỦ YẾU ĐẠT ĐƯỢC (4/5/2022)
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TIỀM LỰC KHOA HỌC (4/5/2022)
GIỚI THIỆU CHUNG (27/4/2022)
Lễ Công Bố Quyết định Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Bắc Trung Bộ (21/4/2017)
BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2016 (3/01/2016)
Giới thiệu chung (23/11/2012)
Hoạt động định kỳ kiểm tra kết quả thực hiện đề tài/dự án (2/6/2015)
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN KHKT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 (21/5/2015)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 50
Tất cả: 4619952
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com