Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Tự hào ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 2092

Tự hào ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn
Tin đăng ngày: 16/11/2015

70 nam ngay truyen thong.jpg

Ngày 14/11, Bộ NN-PTNT long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (14/11/1945 -14/11/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV ngành NN-PTNT. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát có bài diễn văn quan trọng. Chúng tôi xin lược trích một số nội dung tiêu biểu. Tít trong bài do tòa soạn đặt. Trong 70 năm qua, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Những thành tựu nổi bật.

1. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (1945-1975), nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã chiến thắng nạn đói, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn". Chỉ hai ngày sau khi có quyết nghị thành lập, Bộ Canh nông đã công bố: "Bộ Canh nông vừa mới lập ra sẽ có hai nhiệm vụ hiện tại và tương lai:

1/ Thực hiện chương trình tăng gia SX cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào.

2/ Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này” . Bộ Canh nông cũng đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, tìm cách quay vụ, tăng vụ. Nhiều sáng kiến đã xuất hiện, giúp nông dân có thêm lương thực. Nhờ các phong trào thi đua, sức mạnh của nông dân được khơi dậy, tăng gia SX lương thực, thực phẩm nhanh chóng được đẩy mạnh. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã đạt gấp đôi năm 1945. Nạn đói đã bị đẩy lùi. Trong diễn văn kỷ niệm một năm Quốc khánh 2 tháng 9 (năm 1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngày ấy tuyên bố: “Cách mạng đã chiến thắng nạn đói. Thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách mang tính cách mạng của Đảng và Chính phủ để khuyến khích phát triển SX. Cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã đem lại sự thay đổi thân phận, cuộc sống của hàng triệu nông dân đồng thời đem lại động lực to lớn cho phát triển nông nghiệp ở các vùng tự do. Đến năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Lương thực đủ cung cấp cho nhân dân vùng tự do và bộ đội đánh giặc.

2. Trong những năm tháng của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (thời kỳ 1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới đất nước. Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976-1980 có nội dung: “Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp;... nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng thông dụng”. Thực hiện chủ trương đó nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện để phát triển SX nông nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời cải tạo nông nghiệp ở Nam Bộ. Trong quá trình đó, những nhân tố Đổi mới đã hình thành. Dựa trên những thử nghiệm thành công từ cơ sở tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TW về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” đã tạo ra động lực mới trong nông nghiệp. Giai đoạn 5 năm (1981-1985), SX nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 4,9%; SX lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980.

3. Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (thời kỳ 1986-2015), nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ruộng đất được khoán và sau năm 1993 được giao để nông dân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền ngày càng lớn hơn. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đem lại động lực vô cùng to lớn động viên nông dân đem hết khả năng, công sức đầu tư phát triển SX. Động lực ấy vẫn còn đang tác động cho đến tận ngày nay. Chính nhờ có đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ta đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986-2014 đạt 3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%). Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Nhiều ngành SX nông lâm thủy sản cũng đã hướng ra xuất khẩu. Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486,2 triệu USD, năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 30,86 tỷ USD, gấp 63 lần so với năm 1986. Việt Nam trở thành một trong số 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỷ USD, trong đó, có nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới. Trong 70 năm qua, nông thôn nước ta đã thay đổi căn bản diện mạo từ chỗ nghèo nàn lạc hậu đang vươn tới văn minh hiện đại. Đường ô tô đã đến hầu hết các xã, điện đã đến hầu hết các hộ gia đình. Điều kiện ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá của người dân ngày càng được cải thiện. Hết năm 2015 sẽ có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn NTM, các xã đạt bình quân 12 tiêu chí.

Ba thách thức:

1, Cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đem lại những cơ hội to lớn sống còn đối với nông nghiệp nước ta. Tuy vậy, để phát huy được những cơ hội đó đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực cần không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh cả ở cấp độ ngành, sản phẩm và DN.

2, Biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược ảnh hưởng ngày càng mạnh đối với nước ta, trước hết là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nước biển dâng đe dọa làm gia tăng ngập lụt, xâm nhập mặn cùng với các biểu hiện bất thường, cực đoan của khí hậu thời tiết đang yêu cầu phải có nhiều giải pháp thích ứng đồng bộ để đảm bảo cho quá trình phát triển được bền vững.

3, Trong khi đó nông nghiệp, nông thôn nước ta còn nhiều tồn tại, nông nghiệp có sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả nhìn chung còn thấp, tăng trưởng chậm dần; nông thôn ở nhiều nơi còn nhiều thiếu thốn nhất là về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu đi lên SX hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế; thu nhập của nông dân còn thấp, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, môi trường bị suy thoái.

Tám nhiệm vụ tập trung thực hiện:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện;

2. Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển kinh tế thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác trên các vùng biển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo quốc gia. Tiếp tục phát triển diêm nghiệp. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tập trung nâng cao hiệu quả của rừng SX. Chú trọng phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị của nông lâm thủy sản. Tiếp tục chú trọng phát triển thủy lợi đáp ứng các yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển các ngành kinh tế xã hội, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Đẩy mạnh xây dựng NTM, chủ động nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn. Cùng với việc huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển SX kinh doanh để có thu nhập ngày càng cao, đảm bảo nông thôn phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ các vùng còn nhiều khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

4. Tiếp tục đổi mới tổ chức SX. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khuyến khích ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Coi phát triển DN là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục đổi mới và phát triển các HTX kiểu mới, các hình thức liên kết, hợp tác. Hỗ trợ tích cực đối với kinh tế hộ để phát triển SX hàng hóa với quy mô ngày càng lớn hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn.

5. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ làm cơ sở nâng cao nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả SX kinh doanh. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học của Nhà nước; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ các DN tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển giao KHKT gắn với đào tạo nông dân.

6. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế chính sách huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng và bảo hiểm. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách được ban hành, điều chỉnh kịp thời các bất hợp lý phát sinh.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tích cực thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy cao các cơ hội mới, nhất là về thị trường, đối phó hiệu quả với các thách thức. Khai thác các nguồn lực to lớn về khoa học kỹ thuật và vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn trong nước. 8. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng bộ máy quản lý ngày càng chuyên nghiệp, gắn bó với nghề, với nông dân, với ruộng đồng, hết lòng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Nguồn: http://www.vaas.org.vn


Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

Tập huấn quản lý dịch hại trên cây lạc tại Diễn Châu, Nghệ An (6/11/2024)
Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KHKT NN  Bắc Trung Bộ  (6/9/2024)
Thông báo tuyển chọn chuyên gia 2024-2025 (6/9/2024)
Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa cho vùng Bắc Trung Bộ (13/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 (08/3/2024)
Đánh giá hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kì kinh doanh và kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP (28/02/2024)
VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024 (30/1/2024)
Diễn đàn Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh” (30/11/2023)
Hội thảo mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 (29/11/2023)
Giao lưu bóng chuyền hơi chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 684
Tất cả: 4620586
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com