Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
CÀ PHÊ, CAM QUÝT PHỦ QUỲ BÂNG KHUÂNG NHÌN LẠI
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 6355

CÀ PHÊ, CAM QUÝT PHỦ QUỲ BÂNG KHUÂNG NHÌN LẠI
Tin đăng ngày: 8/1/2015

Phủ Quỳ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An có diện tích đất tự nhiên và đồi núi rộng, đã từng là vùng chuyên canh cà phê, cao su, cam, quýt nổi tiếng của cả nước. Trải qua thời gian, một vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả đặc sản này gần như không còn nữa, thay vào đó là cây lâm nghiệp, cây thực phẩm, cây mía, sắn, rau màu và cây cỏ để chăn nuôi bò sữa. Một câu hỏi lớn đặt ra là: Nguyên nhân gì đã dẫn đến hiện trạng trên? Cách khắc phục nó như thế nào để dần khôi phục lại một vùng chuyên canh đã mất và để khai thác hết quỹ đất dồi dào, quý hiếm còn ở dạng tiềm năng này ? Nhất thiết phải có câu trả lời nghiêm túc và trách nhiệm.

Theo số liệu thống kê năm 1994, Phủ Quỳ có độ cao xấp xỉ 400 m so với mực nước biển, là vùng nông nghiệp chuyên canh lớn với diện tích đất tự nhiên 242.426 ha gồm 13 loại đất khác nhau, đặc biệt thiên nhiên đã ban tặng cho Phủ Quỳ 3.441 ha đất đỏ bazal, một loại đất tốt và quý hiếm để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, cam, quýt. Sau đất bazal là đất phiến thạch, đất đá vôi, đất phù sa cổ… cũng rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả có múi (cam, chanh, quýt, bưởi).

Đặc trưng của đất đỏ bazal khác với tất cả các loại đất khác ở chỗ: thành phần limon (đất bột) lớn nên nắng thì khô nhanh, gió thì bụi nhiều, tầng đất canh tác có độ dày từ 1 – 10 m, lòng đất rất xốp, vì vậy nắng to, kéo dài thì hạn lớn. Ngược lại, khi mưa to thì bề mặt thấm nước kết kín lại, nước tràn trên mặt đất tạo thành dòng chảy, kéo theo một lớp đất màu trôi về khe, về sông suối nhưng dưới lớp đất mặt ấy vẫn là khô hạn. Rừng càng trơ trọi, đất trống, đồi trọc càng nhiều thì khi mưa to động năng của hạt mưa và dòng chảy càng lớn. Cho nên, nếu canh tác không hợp lý, trồng cây ít có tán rộng thì trung bình mỗi ha đất mỗi năm mất đi ít nhất từ 70 – 100 tấn đất màu trên bề mặt canh tác.

Chương trình Nghiên cứu đất dốc châu Á của Tổ chức nghiên cứu Quản lý đất Quốc tế (IBSRAM), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ (trước đây là Trạm Thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu) khi thực hiện các nghiên cứu về thổ nhưỡng ở Phủ Quỳ đều nhất trí rằng: “Phủ Quỳ đang sở hữu một mảnh tài nguyên đất tốt nhất thế giới”, đồng thời cũng chỉ ra rằng: “độ phì nhiêu thực tế của đất rất dễ bị mất do xu hướng thoái hóa đang diễn ra mạnh hơn là thục hóa mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc bố trí một hệ thống cây trồng không hợp lý” (Nguyễn Tử Siêm - Sử dụng đất đỏ bazal Phủ Quỳ - vấn đề thoái hóa và phục hồi). Một ý kiến khác cũng cho rằng: đất đỏ bazal Phủ Quỳ không thua kém gì đất đỏ bazal của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và Tây Nguyên – những vùng chuyên canh nổi tiếng hiện nay về cây cà phê và cao su - nhưng đất bzaal Phủ Quỳ có tuổi già hơn do được khai thác sớm hơn.  

Đất đỏ bazal Phủ Quỳ tuy có độ phì tiềm năng tốt nhưng thực tế lại không mấy thích hợp cho trồng cây ngắn ngày do đất sét nặng, thiếu một số dinh dưỡng dễ tiêu và độ ẩm tầng mặt đất thường xuống mức cây héo nhất là về mùa hè có gió foehn khô nóng. Sắn và mía thường gây xói mòn tai hại, khả năng chống đỡ với cỏ tranh, cỏ thẹn yếu, trong khi đó cây cà phê ít gặp vấn đề về đất. Nếu trồng cà phê chè ở độ cao trên 500 m sẽ cho năng suất và chất lượng cao. Những nương cà phê ở thời kỳ kinh doanh ngoài việc cho sản phẩm kinh tế hàng hoá cao còn là những vành đai vững chắc chống xói mòn, rửa trôi không khác mấy so với những khu rừng thứ sinh. Hơn nữa, cây cà phê thường được trồng dưới những hàng cây che bóng có bộ rễ ăn sâu như cây cao su và những cây lấy gỗ. Kết thúc nhiệm kỳ kinh doanh, những vườn cà phê ngoài việc đã cung cấp một sản lượng lớn quả, hạt cà phê trong khoảng 10 năm liên tục thì việc khai thác và thu hoạch tiếp thân, cành, gốc, rễ cà phê và những hàng cây che bóng trong vườn cà phê cũng đem lại một nguồn lợi kinh tế rất đáng kể. Cho nên, nếu sắn và mía là những cây trồng đem lại lợi ích ngắn hạn thì cà phê, cao su vẫn là một sự lựa chọn lâu dài.

Cây cà phê được trồng ở Phủ Quỳ từ năm 1913 do các chủ đồn điền người pháp khai thác nguồn đất đỏ bazal để thiết lập nên những vườn cà phê màu mỡ rồi phát triển mạnh vào những năm 1925 – 1930 và tạm kết thúc vào năm 1945 khi chính quyền về tay nhân dân.

Hồi đó, sản phẩm cà phê làm ra được người Pháp mang về chính quốc xay xát, chế biến, một phần phục vụ nội tiêu, phần lớn xuất khẩu sang các nước thứ ba và Thương hiệu “Cà phê Phủ Quỳ” từ giống đến cà phê thương phẩm bắt đầu nổi tiếng và lan truyền ra thế giới.

Hòa bình lập lại đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, các Nông trường Quốc doanh (NTQD) và các trang trại Nông Lâm được thành lập, cây cà phê trở thành một trong ba cây trồng chủ yếu cùng với cây cao su, cây cam quýt và nhanh chóng chiếm một vị thế vững chắc trong sản xuất nông, lâm ở khu vực trung du, miền núi. Phủ Quỳ lúc đó có hơn chục NTQD thì hầu như nông trường nào cũng dành một phần lớn diện tích cho canh tác cà phê. Dần dần, diện tích trồng cà phê được mở mang đến các vùng dân cư trong khu vực, phát triển thành những làng cà phê, đội cà phê, nông trường cà phê và họ sống bằng nghề cà phê trên đất Phủ Quỳ.

Theo số liệu thống kê thì đến năm 1984, tại vùng đất đỏ bazal Phủ Quỳ, các NTQD đã trồng 2.589 ha cà phê, năng suất quả tươi bình quân là 6,02 tấn, sản lượng quả tươi là 15.585 tấn, quy thành cà phê nhân bằng 3.122 tấn. Diện tích trồng cà phê trong dân lúc đó cũng xấp xỉ 1.400 ha. Tổng cộng, Phủ Quỳ có gần 4000 ha cà phê canh tác, sản lượng đạt 3.500 tấn nhân phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu.

Hơn chục năm sau, tức là vào khoảng giữa thập niên 1990 – 2000, cây cà phê trên đất Phủ Quỳ lại phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết. Diện tích cà phê được mở mang thêm trong dân cư và cả Nông trường, trang trại. Ở các NTQD, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây ngắn ngày sang trồng cà phê, cây cà phê còn được trồng xen cả trong vườn cao su. Khẩu hiệu “Nam - Đắc Lắc, Bắc – Phủ Quỳ” thời đó là sự xác định và quy hoạch lại hai trung tâm cà phê lớn nhất của hai miền đất nước. Giống cà phê chè phổ biến ở Phủ Quỳ là Catimor – một con lai giữa “Hibrid de Timor” với Catura, trong đó “Hibrid de Timor” là con lai tự nhiên có đặc tính chống bệnh gỉ sắt, được nhập vào Việt Nam và phát triển ở nhiều vùng sinh thái hơn 30 năm, cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng tuy vẫn còn hạn chế là thường bị sâu Borer phá hoại. Cơ cấu giống cà phê lúc đó là “Catimor hóa” và đây là thời kỳ hoàng kim của cây cà phê trên đất Phủ Quỳ.

Sau này, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ (trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp Bắc Trung Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trong quá trình thực hiện một số đề tài về theo dõi, đánh giá, so sánh, chọn giống, khảo nghiệm đã kết luận được một số giống cà phê chè vượt trội về năng suất so với Catimor, ổn định từ 2,2 – 2,6 tấn nhân/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có khả năng chống chịu hạn, chống bệnh gỉ sắt, chống sâu đục thân. Kết quả này là tiền đề và cơ hội để vùng chuyên canh cà phê ở Phủ Quỳ sớm xây dựng một cơ cấu giống đa dạng phục vụ cho sự phát triển cà phê nhưng tiếc rằng những bất cập trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là rào cản quá trình thực hiện. Mặt khác, công thức Xích ma “Bốn Nhà” là Nhà nước (tức cơ chế, chính sách), Nhà sản xuất, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp đã không cùng nhìn về một hướng. Do vậy, các kết quả nghiên cứu khoa học lại trở về với các nhà khoa học!

     Từ sau năm 2005, cây cà phê ở Phủ Quỳ đã bắt đầu đi xuống: Diện tích thu hẹp dần, từ 4.000 ha toàn vùng xuống còn hơn 200 ha cà phê kinh doanh tập trung ở hai đội Phú Thuận và Nghĩa Hưng của Nông trường Tây Hiếu 1 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Cà phê - Cao su Nghệ An quản lý và khai thác. Ở một vài nơi khác, diện tích cà phê còn sót lại cũng chỉ dăm, bảy ha. Giá cà phê xuống thấp, sâu bệnh phát sinh nhiều, năng suất chất lượng suy giảm, lại không được đầu tư, chăm sóc, những vườn cà phê này trở nên tiêu điều, xơ xác, phần thu hoạch không đáng là bao và năng suất, chất lượng cũng không đáng kể. Mặt khác, bên cạnh cây cà phê có rất nhiều loài cây khác cho lợi nhuận hấp dẫn hơn đang “chen lấn” và “xâm thực”. Lại thêm cơ chế bao cấp bị xóa bỏ, các tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn những cây trồng ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn do chi phí đầu tư ít hơn, làm nhàn hơn, thu hoạch nhanh hơn như sắn, mía, ngô, khoai, cỏ nuôi bò sữa …

Vậy là, tròn 100 năm cây cà phê có mặt trên đất Phủ Quỳ cũng là lúc vị thế cây cà phê sa sút nghiêm trọng. Cây cà phê từng được xác định là cây trồng mũi nhọn của Nghệ An với chỉ tiêu đặt ra là đưa diện tích cà phê lên 9.400 ha để có sản lượng 9.300 tấn nhân và phấn đấu đến năm 2010 có diện tích 10.000 ha, sản lượng nhân đạt 15.000 tấn, tập trung chủ yếu ở vùng Phủ Quỳ đã trở nên vô hiệu, phi thực tế. Ngược lại, cây cà phê ở Phủ Quỳ đã bị loại khỏi “cuộc chơi” và có nguy cơ “xóa sổ”.

Đồng hành với cây cà phê, cây cao su cũng có mặt ở vùng đất phủ Quỳ từ rất sớm do người pháp trồng, quản lý và khai thác. Trải qua thăng trầm, cây cao su vẫn đứng vững và đang chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh và lựa chọn cây trồng.

Năm 1984, diện tích cây cao su ở Phủ Quỳ là 1.636 ha, năng suất mủ khô 2 tấn/ha, sản lượng đạt 3.272 tấn.

Cũng như bản đồ nông nghiệp miền Trung, nhìn vào bản đồ nông nghiệp Phủ Quỳ chỉ có mỗi cây cao su là hình thành được vùng sản xuất tập trung. Ở thời điểm khôi phục cây cao su theo vốn trồng rừng 327, trên địa bàn Phủ Quỳ chỉ có 1.500 ha. Đến năm 2011, chỉ riêng công ty Cà phê – Cao su Nghệ An đã có hơn 2.600 ha, trong đó có 1.100 ha cao su kinh doanh, 1.500 ha cao su kiến thiết cơ bản (KTCB), tập trung chủ yếu ở 5 nông trường: Tây Hiếu 2, Đông Hiếu, công ty cây ăn quả Nghệ An (Nông trường 1- 5 cũ), công ty Nông Công nghiệp 3 – 2 (Nông trường 3 – 2 cũ) và công ty Nông nghiệp Xuân Thành (Nông trường Xuân Thành cũ).

     Điều đáng nói là hiện nay không chỉ công ty Cà phê - Cao su tập trung mở rộng diện tích trồng cao su mà các đơn vị khác trong vùng cũng đang chuyển hướng sang trồng loại cây này như công ty Lâm Công nghiệp Sông Hiếu có hơn 100 ha cao su đầu tiên đã bước sang tuổi thứ 5, đưa diện tích cao su Phủ Quỳ lên hơn 4.000 ha. Bên cạnh đó, phong trào phát triển cao su tiểu điền của các hộ nông dân cũng đã và đang hình thành, một số diện tích trong đó đã bước vào thời kỳ kinh doanh.

     Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ hiện có 12 ha cao su kinh doanh và gần 2 ha cao su KTCB để vừa sản xuất, vừa làm vật liệu nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học hợp tác với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu nhập nội và lai tạo giống của Viện Nghiên cứu Cao su, nhiều giống cao su đã được đề nghị khu vực hóa ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có một số giống đã được khảo nghiệm thành công từ năm 1993 tại Trung tâm như RIM 712, LH 82/122. Các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực Giống, BVTV và các giải pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su đã được ứng dụng vào sản xuất cao su ở Phủ Quỳ.

Cây cao su là cây trồng đa mục đích: cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao, ổn định; cây cao su làm rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, chống xói mòn … Vì thế, người dân rất mặn mà và hứng thú với cao su. “Đi dọc miền Trung, khu vực nào thấy nhà cao tầng đẹp nhất, đó chỉ là vùng trồng cao su” (TS Nguyễn Văn Chinh – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp – Cây cao su trên đất miền Trung).

Cây cam được trồng ở Phủ Quỳ có muộn hơn nhưng lại phát triển mạnh và quy mô hơn so với cây cà phê, cao su. Năm 1984 diện tích trồng cam là 3.200 ha, năng suất 32 tấn/ha, sản lượng 102.400 tấn. Những năm 80 đến 90 của thế kỷ 20, mỗi năm vùng cam Phủ Quỳ xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) hơn 20.000 tấn quả. Cơ cấu giống cam Phủ Quỳ rất phong phú và đa dạng như cam Xã Đoài, cam Sông Con, cam Vân Du, cam Valencia nhập nội. Chính các giống cam ngon được trồng ở Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu, Cờ Đỏ, 19 – 5, 1 – 5 thuộc huyện Nghĩa Đàn; Nông trường 3 – 2, Xuân Thành thuộc huyện Quỳ Hợp; Nông trường Sông Con, An Ngãi thuộc huyện Tân Kỳ; Nông trường Bãi Phủ thuộc huyện Con Cuông hồi đó đã làm nên thương hiệu “Cam Vinh” nổi tiếng.

Các tổ chức và cá nhân trồng cam cũng đã ghi nhận những kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học về cây cam những năm 1980, 1990 của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ (trực thuộc Tổng công ty Rau quả Việt Nam) như tuyển chọn cây đầu dòng các giống cam phổ biến trong sản xuất, các tổ hợp gốc ghép và mắt ghép cam quýt trên một số loại đất trồng cam, khảo nghiệm một số giống cam nhập nội trên một số vùng sinh thái, trong đó có giống cam Valencia. Về BVTV, kỹ thuật canh tác, Nông hóa - thổ nhưỡng thì có biện pháp kỹ thuật chống xói mòn trên đất dốc, dùng cây họ đậu làm cây che phủ đất, tưới nước và chất lượng nước tưới, phân bón và kỹ thuật bón phân, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại…đề xuất Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi, úng dụng vào sản xuất ở vùng Phủ Quỳ và các tỉnh miền Trung.

Bước sang thế kỷ 21 cây cam ở Phủ Quỳ bắt đầu suy thoái. Từ chỗ diện tích 3.200 ha năm 1984 xuống 1.800 ha năm 2004 rồi 878,2 ha năm 2000, tập trung chủ yếu ở 2 Nông trường 19 – 5 (260,26 ha - sau đổi là Công ty Rau quả 19 – 5, đã giải thể năm 2010) và Nông trường Tây Hiếu 2 (282 ha). Năng suất cam bình quân lúc đó cũng chỉ trên, dưới 20 tấn/ha, chất lượng quả cam cũng không được như hồi trước nữa!

Nguyên nhân làm diện tích cam suy giảm chủ yếu là do các giống cũ truyền thống bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém, mã quả xấu, tỷ lệ xơ bã cao, chua, giống lai pha tạp, sâu bệnh nhiều, đặc biệt là bệnh Greening cam quýt hoành hành tàn phá vườn cam buộc người trồng cam phải chặt phá, hủy bỏ mà không được cải tạo hay trồng lại. Số diện tích trồng cam trước đây hầu hết chuyển sang trồng mía, cỏ.

Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đã nghiên cứu thành công giống quýt PQ1, được Bộ NN và PTNT công nhận giống, đưa vào sản xuất thử 50 ha ở tỉnh Nghệ An. Giống quýt PQ1 chín muộn, cho năng suất cao (40 – 50 tấn quả/ha), chống chịu sâu bệnh tốt, trung bình mỗi ha thu về 400 - 500 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, Viện Di truyền Nông nghiệp đã thành công trong việc nhập nội và sản xuất thử giống cam V2 Valencia cho năng suất cao, chất lượng tốt, rất ít hạt, mẫu mã quả đẹp, chín muộn, trung bình mỗi ha thu về 700 – 800 triệu đồng/vụ. Quýt PQ1 và cam V2 được trồng chủ yếu ở công ty Nông nghiệp Xuân Thành và nhiều hộ dân ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhưng diện tích chưa nhiều và chưa hình thành một cơ cấu giống cam hợp lý trên diện rộng. Dẫu sao, đây cũng là tiền đề và cơ sở vô cùng hữu ích cho việc trồng cam năng suất cao, chất lượng tốt để trả lại tên cho cam, quýt Phủ Quỳ.

Th.S Nguyễn Hà Quế


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 157
Tất cả: 4620059
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com