Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Quản lý thị trường tôm sú giống
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
Bản in Lần xem : 4777

Quản lý thị trường tôm sú giống
Tin đăng ngày: 18/5/2009

Tỉnh Cà Mau có hơn 135 nghìn hộ nuôi tôm, mỗi năm cần 12 đến 13 tỷ con tôm sú giống thả nuôi trên diện tích gần 265 nghìn ha, nhưng chỉ tự sản xuất khoảng năm đến sáu tỷ con giống, còn lại phải di nhập từ các tỉnh. Bởi vậy, thị trường sản xuất, kinh doanh, mua bán tôm giống ở đây rất lộn xộn gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất. Tỉnh Cà Mau tăng cường công tác quản lý, triển khai quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở, làng nghề sản xuất, cung ứng tôm giống nhằm bảo vệ lợi ích của người sản xuất.

Trôi nổi thị trường tôm giống

imageThị trường sản xuất, mua bán tôm giống ở Cà Mau trong những năm qua rất lộn xộn. Với 265 nghìn ha diện tích nuôi tôm, mỗi năm Cà Mau cần 12 đến 13 tỷ con tôm sú giống thả nuôi; trong khi đó năng lực sản xuất giống tại địa phương chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng năm đến sáu tỷ con, còn lại phải nhập từ các nơi khác thông qua thương lái. Chính điều này đã gây khó khăn, thậm chí không thể kiểm soát được trong quá trình quản lý, kiểm dịch chất lượng con giống và người gánh chịu thiệt thòi trước hết không ai khác chính là nông dân trực tiếp sản xuất, nuôi tôm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là những năm đầu mới chuyển dịch sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, Cà Mau đã xuất hiện hàng loạt các trại sản xuất tôm giống. Sự phát triển ồ ạt các làng nghề, trại sản xuất con giống đã gây lúng túng đối với các ngành chức năng về khâu quản lý và không thể kiểm soát chặt chẽ các quy trình sản xuất, chất lượng con giống. Sự bất cập này đã đẩy người nuôi tôm dù muốn dù không luôn đối mặt với việc phải mua tôm giống trôi nổi, kém chất lượng, chịu nhiều rủi ro, thất bát khi thu hoạch. Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, hiện tại Cà Mau có 815 trại sản xuất tôm giống, nhưng qua khảo sát thực tế gần đây, có khoảng 300 cơ sở sản xuất nằm ngoài quy hoạch, không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; quy trình sản xuất con giống, và không ít cơ sở còn tận dụng lại chuồng nuôi lợn trước đây, đầu tư nâng cấp lại thành trại sản xuất tôm giống.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cà Mau hiện có 60% số trại sản xuất tôm giống kém hiệu quả, chất lượng tôm giống chỉ có khoảng 50% giống đạt tiêu chuẩn quy định của ngành. Như vậy 50% còn lại, tương đương với 2,5 tỷ con giống không bảo đảm chất lượng sản xuất tại tỉnh được bán ra thị trường đến tay người nuôi mỗi năm. Thí dụ: Nếu tính bình quân mỗi con tôm giống giá rẻ hiện nay là 15 đồng thì 2,5 tỷ con giống kém chất lượng, người sản xuất mua thả nuôi không đạt hiệu quả thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bởi vậy, việc tăng cường khâu quản lý, giám sát để bảo đảm con tôm sú giống chất lượng đến với hơn 135 nghìn hộ nuôi tôm ở Cà Mau hiện nay đang là vấn đề không thể xem thường. Tại huyện Ðầm Dơi có hơn 200 trại sản xuất tôm giống, mỗi năm sản xuất 1,3 tỷ con giống, nhưng qua kiểm dịch chỉ có khoảng 50% số tôm giống đạt chất lượng. Nguyên nhân chính là do các trại sản xuất đầu tư thiếu đồng bộ, tôm giống bố mẹ không bảo đảm chất lượng, kỹ thuật ươm con giống chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có trại sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải và thải trực tiếp ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường chung quanh, chỉ có 25% số người chịu trách nhiệm kỹ thuật sản xuất tôm giống có bằng cấp chuyên môn, 75% còn lại chủ yếu là truyền nghề cho nhau, chưa qua bất cứ một lớp nào đào tạo chuyên môn về nuôi trồng thủy sản. Do đó, việc sản xuất chất lượng con giống không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng quy định của ngành là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là đối với những trại sản xuất tôm nằm ngoài quy hoạch, không bảo đảm các quy trình kỹ thuật sản xuất, không có bằng cấp chuyên môn, tay nghề vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay mà ngành chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.

Vì lợi ích người nuôi tôm

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thông Nhận, chất lượng con giống quyết định đến 70% năng suất, hiệu quả nuôi tôm. Nếu tôm giống bị nhiễm bệnh, kém chất lượng cho dù kỹ thuật nuôi giỏi tới đâu vẫn không đạt hiệu quả cao. Vì thế, khâu chọn giống là yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả tôm nuôi. Nhưng cái khó hiện nay đối với người nuôi tôm là con giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc quá nhiều; nhất là tôm giống nhập tỉnh quá lớn, trong khi năng lực quản lý, kiểm dịch hạn chế; trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu, nên không thể kiểm dịch hết được con giống nhập tỉnh. Trạm kiểm dịch giống số 1, nằm ngay trên quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Tắc Vân, cửa ngõ vào thành phố Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay trạm này đã kiểm dịch được gần ba tỷ con giống nhập tỉnh, số còn lại không thể kiểm soát được do các cơ sở kinh doanh tôm giống đối phó bằng cách vận chuyển bằng nhiều đường khác nhau để tránh sự quản lý, kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Do đó, hầu hết người nuôi tôm không biết đâu là chất lượng con giống tốt đã qua kiểm dịch; làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả tôm nuôi ở Cà Mau trong thời gian qua.

Năng suất tôm nuôi ở Cà Mau trong những năm qua thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực. Năm 2008, năng suất tôm nuôi bình quân của tỉnh chỉ đạt 356 kg/ha; trong khi tỉnh Bạc Liêu đạt 500 kg/ha; Sóc Trăng đạt 1.200 kg/ha... Tỉnh Cà Mau đang tiến hành triển khai đề án mang tính đột phá nhằm khai thác phát huy triệt để lợi thế tiềm năng đất đai, nâng cao toàn diện hiệu quả sản xuất tôm-lúa. Trong đó, tỉnh triển khai ngay việc rà soát, điều tra và sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện còn gần 300 trại sản xuất giống nằm ngoài quy hoạch. Ðầu năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa gần 300 cơ sản sản xuất giống "ngoài luồng" này vào quản lý bằng cách giao trách nhiệm cho các huyện quản lý sau khi buộc số cơ sở này làm cam kết thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống thủy sản đúng quy định. Theo đó, sẽ công bố rộng rãi các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống chất lượng cao để người dân biết chọn lựa giống tốt sản xuất. Ðối với các cơ sở sản xuất giống kém chất lượng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ kiên quyết xử lý đình chỉ hoạt động; đồng thời thông báo cho các địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ. Sắp tới tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn và trang thiết bị cho cán bộ làm công tác xét nghiệm, kiểm dịch và quản lý giống theo hướng xã hội hóa công tác kiểm tra chất lượng giống. Tuy nhiên, về lâu dài Cà Mau cần sớm xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án hình thành các làng nghề, khu sản xuất giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển; trong đó đầu tư xây dựng một Trung tâm sản xuất tôm giống cấp một tại huyện này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo ra cơ hội cho người nuôi tôm ở Cà Mau, một tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn tiếp cận được nguồn tôm giống chất lượng cao để sản xuất.

Ðể sản xuất ra tôm giống chất lượng cao, các trại sản xuất phải xây dựng đúng quy trình kỹ thuật, tôm sú bố mẹ sạch bệnh được mua tôm biển chính gốc và chỉ cho đẻ duy nhất một lần. Trước khi xuất bán cho người nuôi tôm phải được kiểm dịch chứng nhận tôm giống sạch bệnh, rồi đóng gói, ghi rõ thương hiệu mới xuất bán. Do có địa chỉ rõ ràng đến kỳ thu hoạch kết quả ra sao đều có sự phản hồi đến từng cơ sở sản xuất để cùng sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm. Ðây cũng là cách làm của nhiều cơ sở sản xuất tôm giống nhằm giữ uy tín với khách hàng, giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn khi có thiệt hại, rủi ro, yên tâm sản xuất.


Các tin Thông tin thị trường khác:

 

ĐỂ NÂNG CAO TRI THỨC VÀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CHO NÔNG DÂN (26/7/2022)
Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết trên cánh đồng lớn nhưng… chậm lớn (6/6/2022)
Nghệ An: Vào cao điểm nắng nóng, dứa 'nữ hoàng' tăng giá gấp đôi (31/5/2022)
Vải thiều Hải Dương xuất sang Nhật, châu Âu... tăng 40% (26/5/2022)
Quỳnh Lưu: Người trồng dứa đang tự bươn chải tìm đầu ra (19/4/2017)
Vụ hè thu Nghệ An quyết đạt 460.000 tấn lương thực (19/4/2017)
Gấp rút triển khai nhiều giải pháp đưa rau quả xuất khẩu vượt lúa gạo (3/10/2016)
Giá cà phê tiếp tục tăng do hạn hán (20/9/2016)
FAO nhận định thị trường nông sản thế giới đã có “màu” khởi sắc (16/11/2015)
Tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới (16/11/2015)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 207
Tất cả: 4620109
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com