Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
“Công ty làm ruộng”: Ý tưởng cho nền nông nghiệp hiện đại
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 4567

“Công ty làm ruộng”: Ý tưởng cho nền nông nghiệp hiện đại
Tin đăng ngày: 11/5/2009

Sẽ có một công ty chuyên về làm ruộng, trong đó nhận làm ruộng từ A đến Z cho các hộ gia đình hay HTX như từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc cho tới thu hoạch. Đó là ý tưởng của ông Phạm Văn Yết, 55 tuổi, một cựu chiến binh, một nông dân chính gốc ở khối Hạnh Phúc (phường Vạn Phúc, thị xã Hà Đông).

Đưa máy móc về với đồng ruộng

Ông Yết vốn là quân nhân của Cục Quân báo số 2. Xuất ngũ trở về với thương tích chiến tranh, ông vẫn một lòng trăn trở với cái nghề “gia truyền”, đó là làm ruộng.
Ông cho biết: từ những năm 90 của thế kỷ trước, nền nông nghiệp ở địa phương ông bắt đầu có dấu hiệu chuyển mình, nhất là từ khi có chính sách khoán 10. Trong cơ cấu kinh tế của Vạn Phúc khi đó thì 2/3 là làm thủ công nghiệp, chỉ có 1/3 làm nông nghiệp với khoảng 170ha. Tuy nhiên, người làm ruộng vẫn chưa có được hiệu quả sản xuất cao, nhiều người bỏ ruộng. Sau nhiều đêm trăn trở, ông mạnh dạn vay tiền ngân hàng, của anh em, thế chấp tài sản để nhận thầu thêm ruộng của HTX, của các hộ nông dân khác làm với quy mô lớn. Thời điểm này, tổng diện tích canh tác của ông lên tới hơn 10 mẫu ruộng. Tuy nhiên, công cụ sản xuất còn thô sơ trong khi đồng ruộng rộng lớn nên ông gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ.
Không nản lòng, từ năm 1999, ông đứng ra thành lập HTX nông nghiệp với ý định làm chuyên nghiệp hơn, đưa máy móc vào cơ giới hóa đồng ruộng. HTX của ông lúc đó có khoảng 10 thành viên chính, lúc thời vụ thì lên tới 35-40 người, chủ yếu là nhân công điều khiển máy móc với diện tích ruộng khoảng 20ha. Ông Yết đã lặn lội tìm vào tận những cánh đồng ở Tiên Phước (Quảng Nam), Châu Thành (Long An)... để  học hỏi kinh nghiệm. Bởi những nơi này, đồng ruộng rộng lớn, sản xuất đã được cơ giới hóa. Ông còn tìm mua được một chiếc máy tuốt lúa, một máy cày hai càng, một máy gặt đập liên hoàn với giá 3 chỉ vàng  mang ra Bắc. Tất cả đều là đồ cũ nhưng vẫn vận hành tốt.

Nhờ có máy móc, HTX của ông ngày càng làm ăn khấm khá. Ông Yết đứng ra nhận hợp đồng với các hộ gia đình, các HTX nông nghiệp khác để làm đất, gieo hạt, cấy, chăm sóc và thu hoạch. Chỉ riêng hai năm 2003 – 2004, ông thầu thêm được 45ha ruộng đất. Tính tới thời điểm hiện tại, ông có 40 máy cày V4, 12 máy phay đất và nhiều máy móc thiết bị nông nghiệp khác. Bình quân mỗi năm ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Mong ước lớn nhất của ông là đưa máy móc về với đồng ruộng để bà con nông dân giảm bớt được sức lao động. Ông bảo: “Trước kia, nhà tôi hai vợ chồng làm 5 sào ruộng, năm hai vụ lúa mà còn thấy đầu tắt mặt tối. Đến nay áp dụng máy móc làm chỉ vài công là xong, vừa rẻ vừa nhàn. Vì vậy, tôi muốn ngày càng nhiều nông dân được tiếp cận với phương thức làm nông nghiệp hiện đại”. Tự tay ông xuống điều khiển máy cày, máy gặt với công nhân. Hình ảnh ông “chủ nhiệm” với bộ quần áo bộ đội cũ kỹ xắn quần lội xuống kéo máy luôn đem đến niềm tin cho không chỉ công nhân mà cả những người muốn thuê nhân công của ông.
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều HTX ở Thái Bình, Hà Nam... tìm đến ông ký hợp đồng thuê làm. Nhiều người lặn lội từ Bắc Cạn, An Giang tới hỏi ông về kinh nghiệm thành lập tổ máy, canh tác và được ông hướng dẫn rất tận tình. Năm 2005, ông còn được Bộ NN&PTNN mời về biểu diễn, hướng dẫn cách sử dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn tại xã Đông Mỹ (huyện Đông Hưng, Thái Bình).

Ấp ủ “Công ty làm ruộng”

Theo ông Yết, nông nghiệp hiện đại, được cơ giới hóa, hiện đại hóa là một xu thế tất yếu hiện nay. Hơn nữa, Nhà nước lại có chính sách dồn điền đổi thửa nên ruộng đất của bà con nông dân ngày càng tập trung hơn. Do vậy thành lập một công ty chuyên về làm ruộng cũng là hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Và theo giá cả như hiện nay thì “đất sống” của công ty sẽ rất dồi dào. Chỉ tính giá tiền công làm từ A đến Z cho lúa thì giá của ông đưa ra chỉ khoảng 100.000 đồng/sào. Trong đó làm đất là 30.000 đồng/sào, gieo sạ là 15.000 đồng/sào, gặt là 45.000 đồng/sào, còn lại là công chăm sóc. Tuy nhiên nếu theo giá làm bằng thủ công, dựa vào sức kéo trâu bò thì có thể cao gấp 3 lần. Vì như cày vỡ bằng trâu bò cũng đã mất 50-70.000 đồng/sào, sau đó phải cày lại rồi bừa thì mới gieo cấy được. Vì làm hiệu quả lại không tốn nhân công nên lương công nhân của ông được trả khá cao, hiện vào khoảng 150.000 đồng/người/ngày.
Ông Yết còn cho biết: chỉ cần 40 lao động với 30 chiếc máy các loại là có thể canh tác trên diện tích 200ha. Trong khi đó để canh tác một mẫu ruộng làm thủ công đã mất tới 4-5 người mà hiệu quả không cao. Ông Yết còn không ngừng tìm mua những loại máy móc hiện đại, tận dụng tối ưu nhiều chức năng để cho năng suất cao. Vụ mùa vừa qua ông đầu tư mua một chiếc máy làm đất V224 với giá 46 triệu đồng và 3 chiếc máy gặt đập 1600. Với những chiếc máy này có thể hoàn thành 2,5 đến 3 mẫu ruộng một ngày. Đó quả thật là một con số rất ấn tượng.

Mô hình công ty làm ruộng mà ông Phạm Văn Yết ấp ủ là một công ty có hai chức năng chính: một là thầu ruộng để canh tác, hai là cung cấp nhân công, máy móc làm thuê cho các hộ gia đình hay các HTX nông nghiệp khác. Trong đó, ông sẽ tập hợp những công nhân lành nghề, có trách nhiệm với công việc. Mỗi công nhân vừa là người tiến hành điều khiển máy móc vừa là thợ sửa máy. Đồng thời, công nhân cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về nghề nông để đạt hiệu quả cao nhất. Ông cũng khoán trách nhiệm cho mỗi nhóm trưởng, còn mình thì trực tiếp nghiệm thu. Nếu làm không tốt, công ty sẽ chịu trách nhiệm đền bù như trong hợp đồng với bên thuê.

Đó là một mô hình nông nghiệp khá hiện đại. Nhưng cho tới thời điểm này, ông Yết vẫn chưa thực hiện được mơ ước đó do còn nhiều khó khăn. Trong đó có vấn đề tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động. Hiện tại ngoài tổ máy ở nhà, ông Yết đã thành lập được ba tổ máy đóng ở xã An Ấp (Quỳnh Phụ, Thái Bình), HTX Đồng Long (huyện Ứng Hòa) và một tổ máy ở Hà Nam. Mỗi tổ máy có 10 công nhân, một quản lý, 3 máy cày 2 càng, 1 máy cày V4, 2 máy tuốt lúa, 1 máy gặt đập liên hoàn. Chỉ tính tiền phần trăm từ các tổ máy, mỗi năm ông thu về gần 100 triệu đồng. Nếu như mô hình “công ty làm ruộng” của ông Yết ra đời, chắc chắn sẽ là một bước đột phá trong nông nghiệp hiện nay.


Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ năm 2025 đợt I (31/3/2025)
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (01/3/2025)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dẫn dắt sự phát triển kinh tế và hạnh phúc của nhân dân (01/3/2025)
Nông nghiệp và môi trường: Sự gắn kết tất yếu vì phát triển bền vững (20/3/2025)
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Bộ Nông nghiệp và Môi trường (01/3/2025)
Kết quả bước đầu triển khai dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” ở vụ xuân năm 2024 tại Nghệ An (15/8/2024)
Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống dứa MD2 bằng công nghệ Israel tại Hà Tĩnh (15/12/2024)
Tập huấn quản lý dịch hại trên cây lạc tại Diễn Châu, Nghệ An (6/11/2024)
Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KHKT NN  Bắc Trung Bộ  (6/9/2024)
Thông báo tuyển chọn chuyên gia 2024-2025 (6/9/2024)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 2290
Tất cả: 5005116
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com