Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp cần có sự ưu tiên, tránh dàn trải
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 727

Các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp cần có sự ưu tiên, tránh dàn trải
Tin đăng ngày: 16/2/2023

Làm việc với Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng tình với các nhiệm vụ của ngành trong năm 2023 nhưng ông cho rằng cần có sự ưu tiên, tránh dàn trải.

 

Empty

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT chiều 15/2. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 15/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT, tham dự có Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, các Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Quốc Trị và lãnh đạo các đơn vị của Bộ. Ngoài ra, buổi làm việc còn có Thứ trưởng các Bộ Công thương, Tài nguyên - Môi trường và đại diện nhiều bộ, ngành.

Những chiến lược của ngành

Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN-PTNT có đặc thù hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ rừng đến biển, từ cây đến con. Cũng do đặc thù của ngành mà có rất nhiều chủ thể tham gia vào những ngành hàng nông nghiệp và việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch do chính những người nông dân, những doanh nghiệp nắm vai trò chủ chốt.

Liên quan chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói có thể xem đây là chiến lược rõ ràng đầu tiên của ngành, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo.

Trong đó, tập trung phát huy những thành tựu của ngành cũng như giải quyết các vấn đề nội tại của nông nghiệp và tiếp cận với những thành tựu mới của lĩnh vực này trên thế giới. Cụ thể, ngành nông nghiệp xác định chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói để những chiến lược này có thể đi vào cuộc sống, đi vào sản xuất với hơn 60 triệu người nông dân trên cả nước cũng không hề đơn giản do tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cố hữu của ngành nông nghiệp.

Để giải quyết những bài toán này, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng các chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực, sau lâm nghiệp, thủy sản là trồng trọt, trong đó tái cơ cấu, định hình lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại hệ sinh thái giữa nông nghiệp và nông dân.

“Chúng ta phải quan tâm đến những người nông dân để tránh tình trạng “xây nhà từ nóc” trong ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. Do đó, ông cho rằng cần nhìn lại hệ sinh thái ngành nông nghiệp để có thể đạt được sự thay đổi hiệu quả, dù có thể phải mất 5 năm, 10 năm nữa.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan báo cáo Phó Thủ tướng các vấn đề chính của ngành. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần ưu tiên, tránh dàn trải

Lắng nghe các báo cáo, ý kiến của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói ngành nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. “Trụ đỡ có lẽ không phù hợp mà vai trò của ngành nông nghiệp phải là bệ đỡ của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Nhận định về 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PNT đưa ra với ngành trong năm 2023, Phó Thủ tướng bày tỏ sự đồng thuận, tuy nhiên ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh cần sắp xếp các nhiệm vụ này theo thứ tự ưu tiên, không thể dàn trải: “Nếu cứ dàn hàng ngang thì chúng ta không đủ lực, không đủ nguồn, thậm chí không đủ kiên nhẫn để làm”.

Liên quan đến những vướng mắc còn tồn tại với ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra 3 vấn đề. Đầu tiên là những vướng mắc ngay từ nội tại khiến ngành vẫn đang còn loay hoay. Thứ hai là những vướng mắc chung về cơ chế và vấn đề thứ ba là vướng mắc trong quá trình phối hợp, giải quyết nhiệm vụ của các bên liên quan.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề cơ chế ngân sách trong các dự án của Bộ NN-PTNT cũng như nhắc nhở việc tăng cường tính tự giác trong quá trình làm việc để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Vấn đề cụ thể đầu tiên mà Phó Thủ tướng nêu ra đó là “thẻ vàng IUU”. Theo ông, chỉ còn nửa năm nữa là đến hạn kiểm tra và đây là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thể hiện cho những người có trách nhiệm thấy rằng chúng ta đã có những nỗ lực rất tích cực và bước đầu đã có được những thành quả đáng ghi nhận. “Chúng ta phải nỗ lực, làm hết khả năng để xử lý vấn đề này, trước mắt là có thể thu được những kinh nghiệm để tiếp tục khắc phục”, Phó Thủ tướng nói.

Thêm một vấn đề nữa mà ông Trần Lưu Quang trao đổi với Bộ NN-PTNT, đó là việc mở rộng các cơ sở chiếu xạ cho hoa quả, thực phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu ra khu vực miền Bắc để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận đều nằm ở phía Nam gây gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản miền Bắc như vải, nhãn… Hiện nay, có một trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ KH-CN ở Hà Nội, có đầy đủ nhân lực, máy móc theo tiêu chuẩn của Mỹ nhưng lại gặp vấn đề về giá do nhu cầu chiếu xạ ở miền Bắc không nhiều, không liên tục nên giá cao hơn ở phía Nam.

“Chúng ta cần phối hợp với Bộ KH-CN để bước đầu có cơ chế nào đó để hỗ trợ trung tâm có thể hoạt động được với mức giá phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Sau đó khi hoạt động hiệu quả rồi thì có thể giảm dần hỗ trợ”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý.

Empty

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập đến 2 vấn đề "thẻ vàng IUU" và cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc khi làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

6 nhóm kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn thời gian qua; một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, trong 5 năm (2016 - 2020) và giai đoạn 2021 - 2022, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc, trong đó có 6 nhóm kết quả nổi bật.

Đầu tiên là hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển ngành.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành; công tác cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Kết quả nổi bật tiếp theo là chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì xây dựng và triển khai ngày càng thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp theo, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành quả thứ 5 là hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Và cuối cùng, Bộ NN-PTNT đã chủ động, nhanh nhạy trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ NN-PTNT đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án thủy lợi nhóm A. Cụ thể là Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk và Dự án Hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, phát triển thị trường đất đai trong nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng mong muốn được cho phép xây dựng đề án về chính sách (miễn giảm học phí và hỗ trợ một phần sinh hoạt phí) để thu hút sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp trình độ đại học do chất lượng lao động ngành nông nghiệp đã thấp và thế hệ trẻ thiếu sự quan tâm đến các ngành đào tạo nông nghiệp.


Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

Tập huấn quản lý dịch hại trên cây lạc tại Diễn Châu, Nghệ An (6/11/2024)
Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KHKT NN  Bắc Trung Bộ  (6/9/2024)
Thông báo tuyển chọn chuyên gia 2024-2025 (6/9/2024)
Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa cho vùng Bắc Trung Bộ (13/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 (08/3/2024)
Đánh giá hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kì kinh doanh và kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP (28/02/2024)
VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024 (30/1/2024)
Diễn đàn Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh” (30/11/2023)
Hội thảo mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 (29/11/2023)
Giao lưu bóng chuyền hơi chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 117
Tất cả: 4620019
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com