Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL”
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 741

Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL”
Tin đăng ngày: 30/9/2022

Ngày 24/9, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk; Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Phát triển bền vững (Ngân hàng Thế giới) Benoit Bosquet đồng chủ trì Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL”. Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương trong vùng, các đối tác phát triển, các viện nghiên cứu, học viện, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế dự hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nhìn tổng thể đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cặp mắt tích cực hơn, từ những điều sẵn có chúng ta có thể "biến hóa" thành có nhiều hơn nữa tại vùng ĐBSCL. Bởi vậy, ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn.

Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là chuyện của đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ của từng tỉnh trong vùng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung để tăng tỷ trọng trong vực thuỷ sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo. "Chúng ta có một chương trình hỗ trợ ĐBSCL từ Ngân hàng thế giới và chúng ta phải tư duy từ gói hỗ trợ này, địa phương sẽ được gì, ĐBSCL được gì? Chúng ta cần phải mở rộng tư duy", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tại hội thảo, các báo cáo, tham luận được trình bày xoay quanh vấn đề về khung tích hợp dài hạn cho phát triển bền vững và chống chịu với khí hậu của vùng ĐBSCL; các biện pháp can thiệp chính trong khung tích hợp (cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái, con người và sinh kế) và cơ chế điều phối, phát triển vùng; công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới về hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam - chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp… Theo đó, các vấn đề được nhấn mạnh là chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này. Báo cáo với tiêu đề “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam - chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" đã gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Việc chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phối hợp hành động của các bên liên quan ở tất cả các cấp. Nhiều đại biểu đã chỉ ra những tồn tại của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh khí hậu biến đổi, cần giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, “thuận thiên” theo từng vùng sinh thái của ĐBSCL...

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: baocantho.com.vn)

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững; đồng thời nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bà Carolyn Turk, với Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, Việt Nam đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên".

Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo bà Carolyn Turk, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu. “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của các bạn”, bà Carolyn Turk nói.

Hiện tại, WB đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án tại đồng bằng sông Cửu Long, điển hình như chuyển đổi mô hình sinh kế mùa lũ nâng cao thu nhập cho nông dân tại 4 huyện của tỉnh Đồng Tháp gồm: Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự và TP. Hồng Ngự tạo điều kiện sản xuất, lựa chọn được các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu để cho người dân có thêm thu nhập, đảm bảo ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ ghi nhận các ý kiến tại hội thảo và sẽ xây dựng, triển khai thực hiện khung quy hoạch tích hợp dài hạn cho phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tương lai ĐBSCL chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích hợp là tập trung thực hiện các quy hoạch, sáng kiến nhằm tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn trên một không gian diện tích, trong đó chính quyền, nhà khoa học, nông dân là lực lượng nòng cốt thực hiện quy hoạch tích hợp này…


Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

Tập huấn quản lý dịch hại trên cây lạc tại Diễn Châu, Nghệ An (6/11/2024)
Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KHKT NN  Bắc Trung Bộ  (6/9/2024)
Thông báo tuyển chọn chuyên gia 2024-2025 (6/9/2024)
Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa cho vùng Bắc Trung Bộ (13/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 (08/3/2024)
Đánh giá hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kì kinh doanh và kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP (28/02/2024)
VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024 (30/1/2024)
Diễn đàn Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh” (30/11/2023)
Hội thảo mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 (29/11/2023)
Giao lưu bóng chuyền hơi chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 592
Tất cả: 4620494
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com