Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
NÔNG NGHIỆP - ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Bản in Lần xem : 910

NÔNG NGHIỆP - ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG
Tin đăng ngày: 15/7/2022

6 tháng đầu năm 2022, vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức, như: Thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp tăng, sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng khá cao.

6 tháng cuối năm 2022, thách thức còn rất lớn. Vậy, làm gì và làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng lẫn KNXK như kế hoạch đã đề ra?

6 tháng đầu năm, nông nghiệp xuất siêu 5,75 tỷ USD

Những khó khăn, thách thức liên tục bủa vây ngành nông nghiệp ngay từ đầu năm 2022. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn, thử thách ấy, nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm đương tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của đất nước mà còn nỗ lực, vượt khó để đạt tăng trưởng GDP của ngành 6 tháng đầu năm khoảng 2,7-2,8%. Tổng KNXK nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%; trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%...

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: "Nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt hơn 1 tỷ USD là cà phê, cao su, điều, trái cây và rau củ, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm đồ gỗ và lâm sản, sắn và sản phẩm từ sắn. 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt. KNXK vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó chủ yếu là gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm khoảng 66,8%). KNXK vào thị trường Trung Quốc khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu). Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp 6 tháng đầu năm khoảng 22,1 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 5,75 tỷ USD, tăng hơn hai lần so với 6 tháng đầu năm 2021".

''

Nông dân Sóc Trăng phơi lúa.

Mặc dù ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, song các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, như: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao.

Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá bán sản phẩm nông sản mặc dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chế biến của ngành nông nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa nhiều và chủ yếu phải thực hiện theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thêm vào đó là chất lượng nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều, thiếu thương hiệu, ít chế biến sâu, chế biến tinh khiến sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đôi lúc bị “lép vế” trên thị trường, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế không cao.

Giải bài toán thị trường và giá nguyên liệu đầu vào

Ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành khoảng 2,8-3% (Chính phủ giao 2,5-2,8%), tổng KNXK đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn mục tiêu Chính phủ giao 5 tỷ USD). Để đạt những mục tiêu này, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu KNXK cả năm.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Sản xuất thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ không dễ dàng như đầu năm do mùa mưa bão ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản, giá xăng dầu vẫn ở mức cao... Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có phương án hỗ trợ ngư dân. Tổng cục Thủy sản đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản để chia sẻ cùng ngư dân, tạo sự phát triển bền vững.

Trước tình trạng khai thác thủy sản trên biển gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Bộ NN&PTNT đã trao đổi, bàn bạc với Bộ Công Thương về việc trình Chính phủ chính sách hỗ trợ an sinh cho 91.716 tàu, trong đó có hơn 3.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Để bù đắp sản lượng thủy sản khai thác bị thiếu hụt, ngành nông nghiệp tăng cường nuôi biển, nuôi trong bờ. 6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi biển tăng 7,4%, trong khi đó sản lượng khai thác giảm xấp xỉ 3%. Tăng cường sản lượng từ nuôi trồng thủy sản cũng là giải pháp lâu dài để có nguyên liệu chế biến và chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, tạo sự bền vững cho các năm tiếp theo".

6 tháng cuối năm 2022, dự báo giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất vẫn ở mức cao, lạm phát đang gia tăng ở thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Lạm phát tăng cao tại Mỹ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam-khiến người tiêu dùng nước này thắt chặt chi tiêu. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nông nghiệp nước ta là Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Đó là những thách thức không nhỏ đối với việc xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành nông nghiệp nước ta cần đàm phán nhằm tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, mãng cầu, dừa...), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Australia (tôm tươi, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)...

Cùng với đó, cần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay. Ngành nông nghiệp cần phổ biến nội dung, hướng dẫn cách thức tận dụng các điều khoản trong các hiệp định: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và các hiệp định thương mại song phương tới địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã... Việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản, đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp cần được quan tâm.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn
www.qdnd.vn

Các tin Tin tức - Sự kiện khác:

 

Tập huấn quản lý dịch hại trên cây lạc tại Diễn Châu, Nghệ An (6/11/2024)
Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KHKT NN  Bắc Trung Bộ  (6/9/2024)
Thông báo tuyển chọn chuyên gia 2024-2025 (6/9/2024)
Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa cho vùng Bắc Trung Bộ (13/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 (08/3/2024)
Đánh giá hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kì kinh doanh và kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP (28/02/2024)
VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC TRUNG BỘ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024 (30/1/2024)
Diễn đàn Nông nghiệp “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh” (30/11/2023)
Hội thảo mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 (29/11/2023)
Giao lưu bóng chuyền hơi chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 16
Tất cả: 4633804
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com