Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 1490

NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG
Tin đăng ngày: 28/6/2022

 

Vật tư đầu vào quyết định quan trọng tới chất lượng đầu ra của nông sản. Sử dụng vật tư thế nào cho hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đang là vấn đề lớn.

Vật tư nào, sản phẩm ấy...

Nông nghiệp nước ta đang vận hành chuyển từ một nền nông nghiệp đặt mục tiêu tối đa hóa số lượng sang mục tiêu tối ưu hóa về chất lượng và hiệu quả.

Trước đây, nông dân trồng cây ăn quả thì quả cứ phải sai trĩu trịt, trồng lúa thì năng suất cứ phải thật cao...  Việc đặt mục tiêu về năng suất lên hàng đầu khiến việc đưa ra quyết định sản xuất và mức đầu tư thiếu khoa học, lãng phí, hiệu quả và lợi nhuận thấp. Ví như hiện nay, giá phân bón tăng rất cao, đầu tư quá lớn, thậm chí lãng phí phân bón vô cơ để có năng suất cao, nhưng có khi tính ra thì không có lãi.... Vì thế, để đưa ra quyết định sản xuất thế nào cho phù hợp, cần hội tụ, phân tích rất nhiều yếu tố, lựa chọn quy trình sản xuất nào là tối ưu nhất.

 

''

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Cây ăn quả cũng vậy, thay vì phải thật sai quả, thì điều quan trọng hơn bây giờ lại là cần giữ trên mỗi cây bao nhiêu quả thì cho chất lượng tối ưu nhất, sản xuất theo quy trình nào để đạt được chất lượng, mẫu mã tốt nhất, với chi phí đầu vào hợp lý nhất... Không chỉ tối ưu về chất lượng, hiệu quả, sản xuất ngày nay còn phải đảm bảo nhiều yếu tố cho phát triển bền vững về môi trường, xã hội...

Hiện nay, không phải người sản xuất nào cũng áp dụng đúng quy trình canh tác. Nhiều nông dân vẫn nghĩ cứ đầu tư thêm nhiều phân bón thì năng suất cây trồng sẽ tăng lên, trong khi năng suất của nhiều loại cây trồng đã "tới hạn". Bên cạnh đó, nhiều quy trình sản xuất, sử dụng vật tư được áp dụng cho diện rộng, không thể áp dụng cho mảnh ruộng nào cũng giống mảnh ruộng nào, nếu không được điều chỉnh, áp dụng cho hợp lý, khoa học thì rất dễ dẫn tới lãng phí vật tư đầu vào.

Vật tư đầu vào chính là nguyên liệu tạo ra sản phẩm. Cho nên, không thể tạo ra một sản phẩm chất lượng khi nguyên liệu không đảm bảo. Nếu người sản xuất sử dụng vật tư một cách tiết kiệm, hợp lý, sản phẩm tạo ra sẽ vừa đảm bảo được tối ưu về năng suất, chất lượng, lại vừa có giá thành thấp nhất, có sức cạnh tranh, lợi nhuận cao nhất.

Hoạt động khuyến nông hiện nay đang cố gắng đóng vai trò nhằm triệt tiêu khoảng cách, bất cập giữa các quy trình, giải pháp khoa học công nghệ với thực tiễn sản xuất. Hơn ai hết, công tác khuyến nông phải giúp người dân hiểu thấu đáo những quy trình sản xuất. Từ đó, áp dụng, vận dụng phù hợp, chính xác với thực tế sản xuất của bản thân mình.

 

''

Sử dụng thiếu khoa học, gây lãng phí vật tư đầu vào trong sản xuất vẫn còn rất phổ biến. Ảnh: LHV.

 

Tuy nhiên, việc này không phải trong một sớm, một chiều có thể làm được. Bản thân Trung tâm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đã nhận diện và xây dựng cách tiếp cận mới trong triển khai hoạt động của mình, theo hướng tất cả các lớp tập huấn, hoạt động thông tin tuyên truyền, chuyển giao khoa học công nghệ... đều nhằm vào mục đích giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn sản xuất đang đặt ra.

Cán bộ khuyến nông ngoài kiến thức chuyên môn, phải thường xuyên trao đổi với các chuyên gia khi có những vấn đề phát sinh trên thực tế, nằm ngoài tầm hiểu biết của mình để được tư vấn, kịp thời giải quyết.

    Mục tiêu cao nhất của công tác khuyến nông là giúp nông dân sản xuất hiệu quả nhất. Do đó, trong quá trình thực hiện, sẽ phải chỉ ra được những khó khăn, bất cập trong việc sử dụng các loại vật tư, giải thích, hướng dẫn để nông dân nắm rõ, tiếp cận, vận dụng cho đúng. Bên cạnh đó, phải giúp người sản xuất hiểu được rằng chỉ có sử dụng vật tư đầu vào an toàn, chất lượng mới tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; chỉ có sử dụng vật tư tiết kiệm ở mức cho phép thì giá thành sản phẩm mới hợp lý, tối ưu được lợi nhuận.

 

Chìa khóa khai thác nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Hiện nay, nông nghiệp nước ta đang chuyển nhanh sang hướng hữu cơ, tuần hoàn, đây là định hướng đúng đắn nhằm giúp hạ chi phí đầu tư, cho ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững. Thực ra, nông nghiệp tuần hoàn không phải xa lạ gì, nhiều cách làm manh nha theo nông nghiệp tuần hoàn đã được triển khai như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng... Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nông nghiệp tuần hoàn sẽ phải toàn diện hơn, gắn với giải pháp về khoa học công nghệ. Mấu chốt để khai thác tốt được nông nghiệp tuần hoàn vẫn là các giải pháp khoa học công nghệ.

''

Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo hướng hữu cơ đã và đang được Trung tâm KNQG triển khai hiệu quả trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ảnh: Trung Quân.

Đơn cử như muốn tận dụng phế phụ phẩm làm phân bón quay lại phục vụ sản xuất thì phải có giải pháp, quy trình tiên tiến. Nếu chỉ nghĩ đơn thuần mọi phế phụ phẩm đều có thể làm phân bón thì chưa hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, phế phụ phẩm có rất nhiều loại, thậm chí có loại mang trong mình kim loại nặng, nấm bệnh rất dễ trở thành ký chủ cho các loại dịch bệnh phát sinh....

Đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ, trước tiên phải có đầu vào hữu cơ (môi trường, đất, vật tư...). Bên cạnh đó, phải nhận thức được rằng: Không phải cây trồng, vật nuôi nào cũng có thể sản xuất hữu cơ; phải xác định rõ cái nào nên làm hữu cơ, cái nào không nên làm và phải đảm bảo được chất lượng, giá thành sản phẩm...

Muốn nông nghiệp hữu cơ phát triển, cần phải có "đầu kéo" thị trường tiêu thụ sản phẩm, thậm chí việc phát triển cho thị trường sản phẩm nông sản hữu cơ phải đi trước một bước. Muốn phát triển được thị trường nông nghiệp hữu cơ, cũng cân minh bạch được sản phẩm hữu cơ, mà muốn minh bạch được thì bắt buộc phải có chứng nhận hữu cơ. Để được cấp chứng nhận này, sản phẩm phải đảm bảo được những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định khắt khe nhất.

Sản xuất hữu cơ hay nông sản nói chung muốn bền vững, hiệu quả thì phải điều lưu tâm là định hướng sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn sản xuất để được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, hoặc được chứng nhận GlobalGAP..., rõ ràng chi phí sản xuất sẽ phải đội lên cao hơn, chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm... cũng đều cao, và dĩ nhiên là phải bán với giá cao, ở những thị trường có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đó.

 

''

Ông Lê Quốc Thanh trong một lần tham quan mô hình sản xuất bưởi hữu cơ tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Lê Bền.

    Một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều hộ sản xuất rơi vào cảnh khó khăn do định hướng sai thị trường tiêu thụ. Ví dụ anh sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, có chứng nhận hữu cơ, chứng nhận GAP, nhưng lại chỉ tiêu thụ được ở kênh "hàng chợ", thì đương nhiên sẽ khó mà có lãi. Hoặc nhiều đơn vị không đủ năng lực sản xuất đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, nhưng vẫn hướng tới xuất khẩu, thậm chí là đi vào những thị trường khó tính, khi sản phẩm làm ra không được chấp nhận, quay lại tiêu thụ trong nước thì thua lỗ vì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn.

 

Dẫn dắt nông dân giảm chi phí sản xuất

Trước đây, đã có thời điểm công tác khuyến nông cho rằng mục tiêu của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào là bán được nhiều sản phẩm, muốn đi theo con đường riêng, đội ngũ khuyến nông doanh nghiệp là đi tiếp thị, quảng cáo, bán sản phẩm. Từ đó, e dè trong việc đặt vấn đề hợp tác khuyến khích nông dân sử dụng tiết kiệm vật tư đầu vào.

Tuy nhiên, khi Trung tâm KNQG triển khai hình thức đối tác công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông, đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp tham gia. Đây là một điều bất ngờ, nằm ngoài dự tính, đồng thời cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp đã thay đổi tư duy kinh doanh, hướng tới sự phát triển bền vững bằng cách chăm lo hơn cho người sản xuất.

 

''

Chương trình canh tác lúa thông minh do Trung tâm KNQG phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn về trình độ, diện mạo canh tác lúa khoa học, tiết kiệm ở ĐBSCL. Ảnh: TL.

 

Việc đưa hoạt động khuyến nông nhà nước và khuyến nông doanh nghiệp hòa quyện với nhau, cùng hướng tới một mục đích mang lại lợi ích ngày càng cao cho nông dân là hướng đi đúng đắn. Chương trình hợp tác công tư đã mở ra nhiều cơ hội cho cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, tạo ra nguồn lực rất lớn cho công tác khuyến nông phát triển.

Một ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đang phối hợp với Trung tâm KNQG triển khai chương trình canh tác lúa thông minh, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất tại 13 tỉnh ĐBSCL. Chương trình đã có đóng góp đáng kể trong việc thay đổi nhận thức, diện mạo hoạt động sản xuất lúa gạo nơi đây.

Công tác khuyến nông hiện nay phải đặt trong sự phát triển đồng bộ của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Do đó, hoạt động phải đa dạng, phong phú, mang tính tổng thể, hướng tới đạt được nhiều mục tiêu: Chuyển giao các giải pháp, tiến bộ khoa học công nghệ; giúp nông dân tiếp cận được với thị trường, môi trường, sinh thái, văn hóa...

 

TRUNG QUÂN - LÊ BỀN (Ghi)

PGS.TS Lê Quốc Thanh

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Nguồn: nongnghiep.vn

Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 1195
Tất cả: 4619807
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com