Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 963

Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan
Tin đăng ngày: 20/6/2022

Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân được Chính phủ Thái Lan triển khai đồng bộ từ khâu giải ngân vốn, tín dụng, đến xây dựng vùng nguyên liệu.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ở giữa) cùng đại biểu đoàn công tác Bộ NN-PTNT Việt Nam thăm khu chế biến cá sặc rằn làm sản phẩm OTOP của Thái Lan.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ở giữa) cùng đại biểu đoàn công tác Bộ NN-PTNT Việt Nam thăm khu chế biến cá sặc rằn làm sản phẩm OTOP của Thái Lan.

 

Chính sách thứ nhất: Khuyến khích nông dân tham gia làm thành viên HTX thông qua việc gắn các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông dân qua tổ chức HTX. Rất nhiều hoạt động, chương trình của Chính phủ triển khai thông qua mô hình HTX và các hoạt động đầu tư của nhà nước, đầu tư trong khu vực HTX để nâng cao năng lực của HTX nhằm thu hút nông dân tham gia; để những nông dân chưa là thành viên HTX cảm thấy thiệt thòi hơn khi không tham gia HTX.

Chính sách thứ hai: Hỗ trợ trực tiếp vay tín dụng cho HTX thông qua Ngân hàng nông nghiệp và HTX Thái Lan. Ngân hàng này có nhiệm vụ cho vay trong nông nghiệp và HTX, riêng với HTX thì Chính phủ quy định lãi suất cho vay đối với HTX là 4,5%/năm (so với 10% lãi suất vay từ ngân hàng thương mại cổ phần), HTX vay phải có tài sản để thế chấp đúng quy định như ngân hàng.

Nhờ chính sách này, các HTX ở Thái Lan phát triển rất mạnh các dịch vụ, nhưng hiệu quả nhất là 2 dịch vụ: tín dụng nội bộ và bán vật tư nông nghiệp, giống cho thành viên.

Với dịch vụ tín dụng: HTX vay từ ngân hàng lãi suất 4,5%. Sau đó, HTX cho thành viên vay lại với lãi suất 7-8-9%/năm (so với ngân hàng ngân hàng thương mại cổ phần là 10%/năm) tuỳ theo từng thành viên được xếp loại A hay B hay C tại đại hội thường niên (đại hội thường niên sẽ công bố thành viên loại A, B, C theo tiêu chí của từng HTX).

Thành viên vay được lãi suất rẻ thì có quyền lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng vật tư tốt để mua nhưng thông thường thì các thành viên mua thông qua HTX.

Đây là khác biệt giữa thành viên HTX Thái Lan và Việt Nam. Vì nông dân Việt Nam thiếu vốn nên buộc phải mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, nên các đại lý nói hàng tốt là hàng đại lý được các công ty phân/thuốc cho chiết khấu cao và thường chất lượng thấp. Thiệt thòi cho nông dân. Đây là thực trạng nhiều HTX bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rẻ hơn đại lý nhưng nông dân vẫn phải mua thiếu từ đại lý vì đã “lỡ ăn chịu” với đại lý.

Thanh long Việt Nam bán tại siêu thị của Central Retail, Bangkok, Thái Lan.

Thanh long Việt Nam bán tại siêu thị của Central Retail, Bangkok, Thái Lan.

Chính sách thứ ba: Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan trình Chính phủ một “Chương trình hỗ trợ cho các HTX sản xuất lúa gạo, HTX cây ăn trái và thủy sản xây dựng các chợ đầu mối nông thủy hải sản và nhiều hạ tầng logistic phục vụ cho HTX để tăng khả năng tiêu thụ nông sản cho thành viên của HTX.

Ví dụ như HTX lúa gạo, Chính phủ tài trợ 100% kinh phí để xây dựng nhà kho, sân phơi và một số hạ tầng khác. Với sự đầu tư này thì HTX chỉ chuẩn bị đất và nhà nước sẽ đầu tư 100% các chợ đầu mối tiêu thụ nông sản hay các khu vực tập kết, thu gom nông sản và HTX tổ chức cho các doanh nghiệp, thương lái tới các điểm tập kết và chợ đầu mối “đấu giá nông sản” nên thành viên HTX có cơ hội bán nông sản giá cao cho doanh nghiệp (xóa bỏ trung gian).

Trước năm 2000, Chính phủ thường tài trợ 100% các hạ tầng, nhà nước xây dựng toàn bộ và chuyển giao cho HTX; sau năm 2000, Chính phủ thường tài trợ 70% giá trị công trình, HTX và doanh nghiệp có liên kết với HTX đối ứng 30% và giao cho HTX toàn quyền xây dựng như tài sản của HTX. Với việc thay đổi chính sách như thế thì tiền đầu tư của nhà nước được HTX và doanh nghiệp lựa chọn công nghệ rất phù hợp với điều kiện HTX và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả rất cao.

Vì giai đoạn trước năm 2000 có rất nhiều các khoản đầu tư của nhà nước nhưng do nhà nước xây dựng luôn nên có nhiều điểm không phù hợp, ví dụ phần hỗ trợ đầu tư nhà kho thì toàn bộ nhà kho được thiết kế để chứa lúa nên những HTX làm về cây ăn trái, hoa kiểng, chăn nuôi thì mặc dù cũng được nhà nước đầu tư 100% nhưng không phù hợp nên không phát huy hiệu quả.

Chính sách thứ tư: Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan xây dựng chương trình và được Chính phủ đồng ý một khoản ngân sách hỗ trợ cho HTX vay tín chấp và thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay với lãi suất cho vay 0%, thời gian cho vay tối đa 20 năm và HTX phải bắt đầu trả nợ dần lại từ năm thứ 3 sau khi nhận khoản vay đầu tiên. Ưu tiên cho HTX vay để sử dụng cho các mục đích đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến giống, nhà máy và hạ tầng lưu kho, sơ chế và chế biến nông sản, máy cơ giới để làm dịch vụ và dịch vụ đời sống cho thành viên (cây xăng, cửa hàng nhu yếu phẩm).

Nông dân Thái Lan được hỗ trợ nhiều thứ từ Chính phủ như vốn, kỹ thuật, giống...

Nông dân Thái Lan được hỗ trợ nhiều thứ từ Chính phủ như vốn, kỹ thuật, giống...

Chính sách thứ năm: Trong chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông sản Thái Lan “hội nhập thị trường nông sản thế giới”, Bộ Nông nghiệp và HTX trình Chính phủ “chương trình hỗ trợ HTX xây dựng vùng nguyên liệu lớn gắn với 6 ngành hàng chủ lực của Thái Lan bao gồm: lúa gạo, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, chôm chôm. Đối với 6 ngành hàng này, Chính phủ hỗ trợ cho “HTX đủ năng lực như 1 doanh nghiệp xuất khẩu”.

Có 2 phần, phần hỗ trợ gián tiếp thì chính quyền cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, cung cấp thông tin thị trường, quy hoạch vùng trồng, xây dựng mã vùng trồng, đào tạo nông dân, hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng có thu nhập ổn định để làm “chuyên gia tư vấn cho HTX”.

Phần hỗ trợ trực tiếp: Chính phủ yêu cầu HTX phải tìm được một hay nhiều doanh nghiệp đến kí hợp đồng liên kết sơ chế, chế biến và tiêu thị nông sản của HTX tối thiểu 10 năm thì Chính phủ tài trợ 70% nhà xưởng, nhà kho, đường giao thông nội đồng để ứng dụng cơ giới hóa… Đặc biệt, gói hỗ trợ ưu tiên để HTX đủ năng lực sơ chế, chế biến và đóng gói nông sản để xuất khẩu.

Ví dụ: Hiện ở Việt Nam giống sầu riêng Monthong là chủ yếu. Trong khi Thái Lan xác định Trung Quốc thích mua “cơm sầu riêng” nên người Thái đã xác định giống Monthong bắt đầu thoái hoá và Thái Lan đang thay thế giống Mongthong bằng giống Kanyo là giống rất ngon và phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc. Đồng thời giống Musangking được nhập khẩu từ Malaysia cũng đang được thay thế dần tại Thái Lan từ năm 2019.

Ví dụ như ở HTX Khaoktchakood ở tỉnh Chantha Buri có 1.300 thành viên, bình quân 6,3 ha/hộ nên khu vực của HTX gần 6.000 ha được Chính phủ hỗ trợ thành 1 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu gắn với HTX và doanh nghiệp được HTX kí hợp đồng liên kết thì nhà nước hỗ trợ cho HTX xây dựng một nhà máy sơ chế, chế biến sầu riêng xuất khẩu. Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí xây dựng nhà kho 4.000m2 và 30% HTX và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đối ứng.

Chính sách thứ 6: Đó là về thuế, thuế VAT đối với tất cả các sản phẩm do HTX kinh doanh là 0%. Đây là điều rất hay để cho tất cả các nông sản được sơ chế, chế biến ở nông thôn hoặc là HTX có đủ khả năng cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, thuế VAT được miễn đó là khi mua nông sản thô rồi bán nông sản thô, nhưng khi mua nông sản thô rồi bán nông sản chế biến thì thuế VAT 10%. Chính vì yếu tố này rất khó cho HTX và doanh nghiệp làm sơ chế và chế biến. Nên HTX cứ mua nông sản thô và bán nông sản thô, chứ không mua nông sản thô bán nông sản chế biến. Đó cũng là 1 phần tại sao nông sản Việt Nam đa phần bán thô, giá trị thấp.

Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp PTNT II

Nguồn: nongnghiep.vn


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 1031
Tất cả: 4619643
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com