Tìm kiếm nhanh
 
Thông tin thời tiết
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bản in Lần xem : 1220

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ
Tin đăng ngày: 27/5/2022

Những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái không chất thải vào quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

''
Diện tích sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu của hộ gia đình anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành (Thường Xuân).

 

Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín. Các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Đầu năm 2019, gia đình anh Trần Văn Thảo đấu thầu gần 2 ha đất tại thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, sinh thái, không chất thải. Với nguồn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, gia đình anh Thảo xây dựng 8.000m2 nhà lưới trồng rau, củ, quả an toàn, hệ thống chuồng trại nuôi gà, lợn và đào ao thả cá để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng. Phần lớn thức ăn cho gà, lợn, cá là các phụ phẩm rau, củ, quả trong vườn. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh, ủ trong thời gian ngắn để trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Anh Thảo cho biết: Bên cạnh phân gia súc, gia cầm, trang trại xây dựng mô hình nuôi giun quế, với diện tích 200m2. Thức ăn cho giun cũng được tận dụng từ chính các phụ phẩm, phế phẩm của sản xuất nông nghiệp. Giun thịt được sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt, hoặc chế thành dịch giun. Phân giun và dịch giun là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng. Nhờ hoạt động theo cách thức này, quy trình sản xuất của trang trại tuần hoàn khép kín và không đẩy chất thải ra môi trường.

Được biết, từ quy trình sản xuất khép kín, trang trại đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, sản phẩm dưa vàng Thảo Hiền đã được chứng nhận đạt chất lượng 3 sao trong Chương trình OCOP. Doanh thu hằng năm của trang trại đạt 1,8 - 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.

Nhờ học tập và áp dụng thành công quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái không chất thải, trang trại nông nghiệp của gia đình anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành (Thường Xuân) đã trở thành là một trong những “trang trại xanh 3 sạch” đầu tiên của tỉnh. Anh Lai cho biết: Trên diện tích 7 ha, gia đình đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, nuôi hơn 20.000 con gà ri thả vườn và xây dựng hơn 800m2 nuôi giun quế. Để mô hình khép kín hiệu quả, gia đình sử dụng phân gà và chế phẩm sinh học EM nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi gà và phân của giun quế làm phân bón cho cây trồng. Nhờ việc tận dụng tối đa các sản phẩm, phụ phẩm trong sản xuất đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được biết, hằng năm, trang trại của gia đình anh tạo ra 35 - 40 tấn sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn. Nhờ chất lượng vượt trội nên sản phẩm được các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch thu mua, tiêu thụ, doanh thu đạt từ 3 - 3,5 tỷ đồng/năm. Đồng thời, trang trại của gia đình anh Lương Ngọc Lai đã trở thành “điểm dừng chân” cho Nhân dân trong, ngoài tỉnh đến tham quan học tập.

Theo thống kê của Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 30 mô hình sản xuất áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, không chất thải đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hầu hết các mô hình đều phát triển theo hướng truyền thống kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học, như Balasa Nol, EM, BioEM, TRICHODEMA..., nuôi ruồi lính đen hoặc giun quế để xử lý các chất thải thành thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng cho cây trồng. Ông Hoàng Khắc Hải, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, cho biết: Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, không chất thải là một trong những thành công của hội trong việc triển khai áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Qua quá trình triển khai, áp dụng vào thực tế cho thấy, các sản phẩm từ các mô hình đều đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Do đó, để nhân rộng và lan tỏa hiệu quả mô hình, hội tiếp tục vận động hội viên ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức tập huấn, tham quan để hội viên trên toàn tỉnh có cơ hội học tập, áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn:  baothanhhoa.vn


Các tin Khoa học nông nghiệp khác:

 

LÀN GIÓ MỚI CHO KHỞI NGHIỆP NÔNG THÔN (3/10/2022)
NÔNG NGHIỆP TỪ MỤC TIÊU SỐ LƯỢNG SANG TỐI ƯU CHẤT LƯỢNG (28/6/2022)
Tham khảo một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Thái Lan (20/6/2022)
HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ NÔNG SẢN CẦN SỰ BỀN CHẶT (13/6/2022)
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHCN VỤ XUÂN 2022 (13/6/2022)
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh (9/6/2022)
Ngành nông nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn của thị trường (7/6/2022)
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN, SINH THÁI, KHÔNG CHẤT THẢI TẠI THANH HOÁ (27/5/2022)
Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh (27/5/2022)
Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất ngô sinh khối (26/5/2022)
Giới thiệu chung
Săp xếp lại các phòng ban phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và yêu cầu theo đề án “ Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAAS” giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026- 2030 theo hướng gọn về tổ chức, mạnh về chuyên môn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Liên kết nhanh
Bộ đếm truy cập
Hôm nay: 1210
Tất cả: 4619822
 
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 586 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 02383 514625 - Email: asincv@gmail.com